Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 03:19

Hiến pháp 2013 quy định về bảo đảm quyền con người trong tư pháp hình sự

1. Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam:

Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền của công dân, quyền con người của người bị bắt. Mục đích của các biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật và pháp chế. Các biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng khi áp dụng chúng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi vì, một số hoạt động tố tụng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được thông tin... của người bị bắt. Nắm vững nội dung, thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam sẽ bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng đúng pháp luật, tránh vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực thi công vụ.

Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là những biện pháp cưỡng chế cần thiết do các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án áp dụng đối với bị can, bị cáo. Một số trường hợp, có thể áp dụng cả đối với người chưa bị khởi tố như người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án.

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là biện pháp thường được áp dụng trong đấu tranh chống tội phạm. Mục đích là để ngăn chặn hành vi phạm tội và việc lẩn trốn pháp luật của bị can, bị cáo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Như vậy, đối tượng bị bắt để tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử không thể bị bắt để tạm giam. Nếu người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử mà vẫn bị bắt để tạm giam thì có nghĩa các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, quyền con người, quyền công dân của người bị bắt không được đảm bảo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam không phải là biện pháp duy nhất để ngăn chặn, vì vậy không phải mọi bị can, bị cáo đều bị bắt để tạm giam. Khi bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội và thái độ của họ khi và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ được bắt người để tạm giam khi có đủ căn cứ để xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội và nếu xét thấy cần phải bắt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý tội phạm. Khi có những điều kiện, dấu hiệu cho thấy người phạm tội không có ý trốn tránh pháp luật, không gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì không nên bắt mà có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Chẳng hạn, người phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng hoặc phạm tội do vô ý, không có hành động cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì không cần bắt để tạm giam.

2. Bảo đảm không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình:

Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…. Điều 6 Bộ luật tố tụng hình sự cũng nói rõ: Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Nguyên nhân của tình trạng bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền khởi tố bị can đó là do thiếu cơ chế kiểm soát đối với cán bộ điều tra, điều tra viên. Luật trao cho họ quyền lực nhà nước nhưng lại không có cơ chế giám sát việc thực hiện đúng đắn, tất yếu dẫn đến lạm quyền trong quá trình thực thi công vụ. Không giải quyết được nó ngay từ đầu thì đến giai đoạn khởi tố và điều tra, bức cung, dùng nhục hình sẽ vẫn tiếp diễn. Như vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục chứng kiến vụ việc khác tương tự. Điều này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Các hành vi tra tấn, bức cung có một đặc điểm tội phạm học là rất khó chứng minh do chỉ có người bị hại và điều tra viên biết, không có người làm chứng, không băng ghi âm, ghi hình. Thậm chí nếu điều tra viên dùng thủ đoạn tinh vi thì cũng rất khó tìm ra dấu vết thương tích trên thân thể nạn nhân. Cho nên nhiều người nói đúng khi cho rằng nó chỉ bị phát hiện khi nghi can bị chết hoặc bị oan…

Có ý kiến cho rằng nếu không dùng nhục hình thì một số đối tượng phạm tội sẽ không chịu khai báo. Tuy nhiên nhận định này trái luật và không hợp lý bởi lẽ có nhiều biện pháp hợp pháp để đấu tranh chống tội phạm. Lập luận này chỉ phản ánh một thực tế đó là sự yếu kém về nghiệp vụ của một số điều tra viên mà thôi. Có một thực tế hiện nay là rất nhiều bị cáo ra tòa phản cung rằng mình bị oan do bị ép cung, đánh đập. Nên nhiều người lập luận phải chăng hiện nay các tòa án chưa xem xét kỹ lời khai của các bị cáo tại tòa. Tòa luôn bắt họ phải chứng minh thì làm sao họ có chứng cứ khi lúc đó chỉ có một mình họ với điều tra viên.

Khi xét xử một vụ án hình sự phải xem lời nhận tội của bị can, bị cáo tại cơ quan điều tra chỉ là một trong các chứng cứ của vụ án và phải đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự: Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội.

3. Bảo đảm được xét xử kịp thời, công bằng, công khai và sự đúng đắn khi buộc tội:

Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Tức là, một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong pháp luật hình sự, thuật ngữ “người phạm tội” dùng để chỉ người đã thực hiện hành vi được luật hình sự quy định là tội phạm, hành vi của người đó đã cấu thành tội phạm. Thuật ngữ “người phạm tội” chỉ một thực tế khách quan là một người đã thực hiện tội phạm chứ không phải tùy thuộc vào nhận định chủ quan của các cơ quan áp dụng pháp luật. Do vậy, thuật ngữ người “bị coi là có tội” khác với thuật ngữ “người phạm tội”.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Như vậy, đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi bị Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó.

Bản cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Buộc tội phải dựa trên chứng cứ. Bản cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Nếu cơ quan điều tra còn mơ hồ về chứng cứ thì không ra kết luận điều tra, nếu Viện kiểm sát còn băn khoăn việc này nọ thì không ra cáo trạng, nếu thấy chưa đủ chứng cứ thì tòa không kết tội.

Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.

Ở Việt Nam, trong quá trình cải cách tư pháp, việc ghi nhận và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho một quy trình tố tụng tiến bộ, phù hợp với cải cách tư pháp. Bởi lẽ nguyên tắc này có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và nguyên tắc tranh tụng. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp sửa đổi 2013, các cơ quan ban, ngành cần tổ chức các hội nghị tập huấn để tuyên truyền đến các cán bộ trong ngành về nội dung, vai trò của nguyên tắc suy đoán vô tội và quy định mới của Hiến pháp có liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ để công tác thực tiễn đạt hiệu quả cao.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành