Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 03:24

Kinh nghiệm về bổ nhiệm thẩm phán tòa án tối cao ở một số quốc gia trên thế giới

1. Bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao ở Cộng Hòa Pháp:

Xuất phát từ quan niệm của Pháp coi thẩm phán là một loại nghề đặc biệt, nên việc bổ nhiệm thẩm phán phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ  như sau:

- Bổ nhiệm suốt đời, có nghĩa là về nguyên tắc, từ lúc bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu thì thẩm phán không thể bị miễn nhiệm, trừ khi có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nguyên tắc này là nền tảng pháp lý đảm bảo cho thẩm phán có được tính độc lập trong hoạt động của mình.

- Không cho phép có thu nhập ngoài lương, có nghĩa là Nhà nước chỉ cho phép thẩm phán có thu nhập từ lương mà không được phép có bất kỳ một khoản thu nhập nào khác từ hoạt động kinh doanh, kể cả từ cổ phiếu trừ khi được thừa kế. Nhà nước trả lương cho thẩm phán ngay khi mới được tuyển vào Trường đào tạo thẩm phán. Nguyên tắc này cũng nhằm bảo đảm cho thẩm phán toàn tâm, toàn ý với công việc, không chịu bất kỳ một sự tác động nào từ bên ngoài có thể làm ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động xét xử. Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước Pháp trả lương cho thẩm phán rất cao mức lương khởi điểm dành cho thẩm phán ở Pháp khi mới vào nghề là khoảng 1.400 euro, tương đương 28 triệu đồng Việt Nam/tháng.

- Tuyển chọn thông qua thi tuyển. Nguyên tắc này bảo đảm tính dân chủ, công bằng và độc lập trong việc tuyển chọn thẩm phán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, Nhà nước cho phép tuyển chọn thẩm phán thông qua chế độ cử tuyển chủ yếu trong trường hợp các giáo sư, luật sư có uy tín.

2. Bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao ở Cộng Hòa Liên bang Đức:

Thẩm phán ở Đức là một nghề nghiệp danh dự cao. Các thẩm phán được bầu một nửa từ một ủy ban bầu cử thẩm phán đặc biệt của Quốc hội Liên bang và một nửa từ Hội đồng Liên bang. Họ có một nhiệm kỳ duy nhất là 12 năm, bảo đảm tính độc lập cá nhân.

Trong khi tại Hội đồng Liên bang là một cuộc bầu cử trực tiếp với đa số 2/3 thì tại Quốc hội Liên bang một ủy ban bầu cử bao gồm 12 nghị sĩ được chọn lựa/bình bầu theo phương pháp D’Hondt để tiến hành cuộc bầu cử. Một ứng cử viên trúng cử khi có được ít nhất là 8 phiếu bầu. Trong đó 3 thẩm phán của mỗi một viện được chọn lựa từ các thẩm phán của các tòa án tối cao. Đủ điều kiện được lựa chọn là những người trên 40 tuổi và có năng lực cho chức vụ thẩm phán theo Luật Thẩm phán Đức hay là giáo sư luật tại một trường đại học Đức. Các thẩm phán phải có khả năng được bầu vào Quốc hội Liên bang và không được phép thuộc vào trong Quốc hội Liên bang, Hội đồng Liên bang, chính phủ liên bang hay các cơ quan tương ứng của một tiểu bang.

Theo điều 4 khoản 3 của bộ Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang, độ tuổi 68 là ranh giới cho các thẩm phán. Nhiệm kỳ của một thẩm phán chấm dứt khi hết tháng mà thẩm phán tròn 68 tuổi. Thế nhưng người thẩm phán này vẫn tiếp tục thi hành chức vụ cho đến khi một người kế nhiệm được bổ nhiệm.

Chánh án và phó chánh án của Tòa án Hiến pháp Liên bang được luân phiên chỉ định bởi Quốc hội Liên bang và Hội đồng Liên bang theo điều 9 của bộ Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang. Thông thường đây là những người đứng đầu các viện và cũng theo lệ thường thì sau khi chánh án rút lui khỏi chức vụ thì người phó chánh án được chỉ định là người kế nhiệm. Là cơ quan hiến pháp, Tòa án Hiến pháp Liên bang không chịu sự kiểm tra và chỉ thị của cơ quan nhà nước.

3. Bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao ở Hoa Kỳ:

Bổ nhiệm thẩm phán cho toà tối cao là một qui trình mang nhiều yếu tố chính trị và luôn luôn gây tranh cãi. Hiện nay có chín vị trí trong tòa, con số này đã được xác lập từ năm1869, dù nó có thể bị thay đổi bởi Quốc hội. Tiến trình bổ nhiệm bắt đầu khi một thẩm phán qua đời, từ chức, về hưu hay bị bãi nhiệm vì bị luận tội và bị kết án. Tính trung bình cứ hai năm thì có một chỗ khuyết, nhưng không phải luôn luôn như vậy.

Như một qui luật, tổng thống sẽ đề cử vào Tối cao Pháp viện những người đồng quan điểm với mình, với ít nhiều nhượng bộ, để bảo đảm sự đề cử sẽ được thông qua tại Thượng viện, thường thì các ứng viên có quan điểm cực đoan ít có cơ may được phê chuẩn. Các ứng cử viên thường được chọn từ tòa kháng án liên bang, tòa án tiểu bang, nhánh hành pháp, Quốc hội hoặc giới trí thức khoa bảng.

Một ứng viên được tổng thống đề cử phải được phê chuẩn bởi đa số phiếu tại Thượng viện, dù qui trình này có thể bị ngăn cản. FBI sẽ kiểm tra nhân thân của ứng viên. Cùng với các nhân chứng, ứng cử viên phải ra trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện để trả lời một số câu hỏi. Ủy ban sẽ bỏ phiếu để quyết định đề cử người này hay không, sau đó sự việc được chuyển sang Thượng viện. Ban thường trực về tư pháp liên bang của Hội luật sư Hoa Kỳ sẽ thẩm định phẩm chất của ứng viên như tính liêm khiết, năng lực chuyên môn, tính cách của một thẩm phán... Ban này, gồm 15 thẩm phán liên bang, sẽ đưa ra một bản thẩm định – "rất tốt", "tốt" và "không tốt". Đời tư các ứng viên thường bị điều tra kỹ đến từng chi tiết.

Không phải tất cả đề cử đều được biểu quyết tại Thượng viện. Một khi Thượng viện bắt đầu thảo luận về sự đề cử, những người chống đối có thể tìm cách kéo dài cuộc tranh luận để ngăn không cho biểu quyết. Cho đến nay vẫn chưa có việc đề cử thẩm phán nào bị ngăn không biểu quyết. Tuy nhiên, năm 1968 Tổng thống Lyndon Johnson đã thất bại trong nỗ lực đề cử thẩm phán Abe Fortas vào vị trí chánh án thay thế Earl Warren. Tổng thống cũng có thể rút lại danh sách đề cử trước khi Thượng viện bỏ phiếu. Điều này xảy ra khi tổng thống cảm thấy ứng viên của mình không có đủ cơ may để được phê chuẩn.

4. Một số kiến nghị cho Việt Nam:

Chất lượng của đội ngũ Thẩm phán phụ thuộc nhiều vào chất lượng hoạt động của Hội đồng tuyển chọn và từng thành viên của Hội đồng tuyển chọn. Theo quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002 thì hiện nay có Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, 63 Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, sơ cấp và các hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án quân sự. Chất lượng hoạt động, quy trình làm việc, trình độ, năng lực của thành viên các hội đồng cũng khác nhau; do đó, công tác tuyển chọn nhân sự để bổ nhiệm Thẩm phán, nhất là các Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương chưa bảo đảm chất lượng đồng đều, ảnh hưởng đến yêu cầu luân chuyển, điều động Thẩm phán. Bên cạnh đó, sự vô tư, khách quan, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán là có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác xét xử, là điều kiện để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý. Bởi vậy, bên cạnh hoạt động giám sát chung của các cơ quan dân cử đối với công tác Tòa án, cần có cơ chế giám sát đặc biệt để kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán, kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán…

Chính vì vậy, để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán; giám sát hoạt động của Thẩm phán là vấn đề được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao rất chú trọng. Do đó, tại Điều 66, Dự thảo 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi được thiết kế theo hướng chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch Hội đồng. Quy định theo hướng này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp mới. Thẩm phán có địa vị pháp lý đặc biệt được giao quyền phán quyết các vụ án hình sự, các tranh chấp dân sự, vụ án kinh tế, lao động, hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức có liên quan đòi hỏi phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Vì vậy, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán còn có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, tư cách đạo đức, lối sống của Thẩm phán để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý; kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán để kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán.

Theo đó, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia gồm có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, một Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, các Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, một đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; trong đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tổ chức kỳ thi tuyển chọn nguồn Thẩm phán; xem xét tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm Thẩm phán theo quy định để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án khác. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng xem xét những trường hợp bị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của Thẩm phán.

Theo quy định hiện hành thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm, quy định này được cho là chưa phù hợp, tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán; thậm chí nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập về nhiệm kỳ của Thẩm phán theo quy định hiện hành, tại Điều 69 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi quy định: Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Quy định theo hướng kéo dài hơn nhiệm kỳ của Thẩm phán sẽ tạo điều kiện cho Thẩm phán yên tâm làm nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử, bảo đảm cho các phán quyết mà Thẩm phán đưa ra khách quan, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, quy định kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng sẽ tiết kiệm được những chi phí về thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành