1. Những khái niệm, đặc điểm của Thủ tục rút gọn và Tòa án giản lược:
Việc thành lập Tòa giản lược trong Tòa án nhân dân và áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết một số loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhằm nâng cao hiệu quả công tác của Tòa án là hết sức cần thiết. Đây là vấn đề lớn đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng để thống nhất trong nhận thức để từ đó cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và các luật tố tụng trong thời gian tới đây.
Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…”. Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung. Trong đó nguyên tắc việc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia và nguyên tắc Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số đều quy định ngoại lệ đối với trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn theo khoản 1 và khoản 4 Điều 103. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật tố tụng cũng đã được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân và áp dụng thủ tục giản lược giải quyết một số loại vụ việc cụ thể theo tinh thần cải cách tư pháp.
Thủ tục giản lược là thủ tục được hình thành trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục thông thường nhằm giải quyết đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, bao gồm các tội vi cảnh, tội ít nghiêm trọng, chứng cứ đầy đủ, mức hình phạt thấp, bị cáo có căn cước, lai lịch rõ ràng; được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự có giá trị tranh chấp không lớn, những vụ việc dân sự đơn giản. Việc áp dụng thủ tục giản lược góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng vi phạm hoặc tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc áp dụng thủ tục giản lược sẽ giảm nhẹ đáng kể thời gian, vật chất cho hoạt động tố tụng của Tòa án; giảm nhẹ đáng kể chi phí tố tụng, thời gian, công sức của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Việc quy định về thủ tục giản lược bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường sẽ tạo cơ hội cho người dân lựa chọn phương thức khởi kiện, tham gia và tiếp cận các hoạt động của Tòa án. Việc xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp, bất đồng nảy sinh trong xã hội sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực của vụ việc đó trong xã hội, góp phần ổn định xã hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay trong hệ thống Tòa án nhân dân chưa có Tòa chuyên trách hoặc những Thẩm phán chuyên trách được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ việc theo thủ tục giản lược. Tuy nhiên, trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều có quy định về những thủ tục riêng theo hướng giản lược so với thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết một số loại vụ việc cụ thể, thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự; thủ tục giải quyết các việc dân sự trong tố tụng dân sự; thủ tục khiếu kiện về danh sách cử tri trong tố tụng hành chính. Mặc dù trong hệ thống Tòa án nhân dân chưa có Tòa chuyên trách hoặc những bộ phận chuyên trách giải quyết các vụ việc thẩm quyền của Tòa án theo hướng giản lược, nhưng trong pháp luật tố tụng và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định những thủ tục riêng, có nội dung giản lược để Tòa án áp dụng giải quyết một số loại vụ việc cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác Tòa án, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình tố tụng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thủ tục giản lược trong tố tụng.
2. Ý nghĩa của việc xây dựng mô hình Tòa án giản lược:
Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay, cụ thể là: do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện, nên số lượng các Toà án nhân dân cấp huyện hiện nay là rất lớn và đang có xu hướng tăng lên do nhu cầu thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, dẫn tới việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực cho Toà án nhân dân cấp huyện là một khó khăn, thách thức lớn, trong khi Toà án nhân dân cấp huyện là nơi giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân. Bên cạnh đó, do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên trong nhận thức của các ngành, các cấp, Tòa án nhân dân cấp huyện được coi như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Điều này chưa bảo đảm đúng địa vị pháp lý của Toà án nhân dân cấp huyện, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Do được tổ chức ở đơn vị hành chính cấp huyện nên Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức dàn trải, số lượng các vụ việc phải giải quyết của mỗi Tòa án phụ thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại... xảy ra trên từng địa bàn, có nơi quá nhiều việc, ngược lại có nơi lại quá ít việc. Thực tế này đang tạo ra những trở ngại, khó khăn trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của các Toà án cấp sơ thẩm. Đối với các Toà án cấp huyện có khối lượng lớn về công việc thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất luôn luôn là gánh nặng và là vấn đề bức xúc do xuất phát từ yêu cầu phải giải quyết một khối lượng công việc về chuyên môn quá lớn và ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương đó. Ngược lại, đối với những Toà án cấp huyện có khối lượng công việc giải quyết không đáng kể nhưng vẫn phải bố trí đủ cán bộ theo cơ cấu tổ chức bộ máy của Toà án theo quy định và yêu cầu phải có trụ sở, phương tiện làm việc như các đơn vị khác nên đã gây ra lãng phí không đáng có về nhân lực và vật lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức Toà án.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên thì cơ cấu bộ máy của Toà án nhân dân cấp huyện hiện nay còn đơn giản, không được tổ chức theo lĩnh vực xét xử, nên khó khăn trong việc đầu tư, đào tạo chuyên ngành cho các Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án, cán bộ, công chức Toà án nhân dân cấp huyện, ảnh hưởng đến chất lượng công tác của Tòa án, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc đòi hỏi chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù như các vụ việc về đất đai, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại, các vụ việc có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên...
Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ không tạo ra nhu cầu quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và cũng không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án; bởi lẽ nếu phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được Quốc hội thông qua thì về cơ bản, các Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ kế thừa đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có của các Toà án nhân dân cấp huyện là chủ yếu, nhưng có sự sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng và kiện toàn để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc đối với từng đơn vị và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương nơi Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập. Để khắc phục khó khăn cho nhân dân có công việc cần đến Toà án ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, hệ thống giao thông, liên lạc không thuận lợi và không phải là nơi đặt trụ sở của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thì trụ sở của Toà án cấp huyện ở những huyện này được giữ lại làm nơi tiếp công dân, nhận, thụ lý đơn khởi kiện và tiến hành các thủ tục, giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và xét xử một số vụ án hình sự theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật hoặc các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương hoặc có thể bố trí làm trụ sở của Toà giản lược trong trường hợp Toà giản lược được lập trong Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực.
Việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là tiền đề để đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, qua đó tạo điều kiện bảo đảm để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài ra, việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ là phù hợp nếu chủ trương không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện được thực hiện. Theo đó, Hội thẩm nhân dân sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Về vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân thì hiện nay, Tòa án nhân dân các cấp đang triển khai thực hiện các văn kiện, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cải cách tư pháp cũng xác định hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, trong đó đặt ra yêu cầu nghiên cứu việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định. Theo đó, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có thể được thành lập ở một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh và có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo phương án này, tùy theo quy mô công việc và đội ngũ cán bộ có thể cân nhắc việc thành lập các phân Tòa giản lược trực thuộc Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực ở một số đơn vị hành chính cấp huyện để xét xử các vụ án tiểu hình và các tranh chấp nhỏ, có giá ngạch thấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Trong trường hợp này, không cần thiết phải lập chi nhánh của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực ở những nơi có địa bàn xét xử rộng trên cơ sở hợp nhất 2-3 Tòa án cấp huyện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vì đã có phân Tòa giản lược thuộc Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trên địa bàn của mỗi huyện.