Thứ hai, 08 Tháng 12 2014 00:00

Vấn đề lạm phát đối với các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi

Tiếp tục công cuộc đổi mới hoạt động ngân hàng theo yêu cầu hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường tài chính và dịch vụ ngân hàng, triển khai hai Luật ngân hàng, cơ cấu lại NHNN theo hướng hiện đại, tái cấu trúc các TCTD, việc điều hành CSTT ở nước ta không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng tiến dần phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam, đặc biệt là điều kiện nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Trong những năm qua, việc điều hành CSTT hướng tới thực hiện mục tiêu trực tiếp, như ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát,  cũng  như  chuyển  tải CSTT đến  nền kinh tế, góp phần  thúc đẩy  tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.... Nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng đã vượt qua được những tác động của khủng hoảng tài chính thế giới cũng như biến động phức tạp của kinh tế thế giới. Năng lực xây dựng và điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước được nâng lên một bước cơ bản.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây lạm phát đang có nguy cơ quay trở lại gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân nào gây nên tình trạng lạm phát? phải chăng có một phần từ nguyên nhân do điều hành CSTT? Thực trạng điều hành CSTT hướng tới thực hiện mục tiêu đặt ra trong thời gian qua, đặc biệt là thực hiên mục tiêu kiểm soát lạm phát đang đặt  ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện. Đồng thời, đứng trước yêu cầu của thực tiễn hiện nay cũng như đòi hỏi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trong thời gian tới, yêu cầu tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế thì yêu cầu này càng đặt ra cấp bách hơn trong việc điều hành CSTT thực hiện có hiệu quả hơn nữa mục tiêu đối với nền kinh tế, trực tiếp là nhằm kiểm soát lạm phát có hiệu quả. Đây cũng là một trong những vấn đề hóc búa nhất mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình chuyển từ một nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường là lạm phát. Tuy nhiên, đó là thách thức mà các quốc gia đó phải vượt qua nếu muốn được hưởng những lợi ích vật chất mà nền kinh tế thị trường có thể mang lại.

Chính xác thì lạm phát là gì? Đó là sự tăng lên của mức giá trung bình của hàng hoá và dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ trong một nền kinh tế. Lạm phát thường xảy ra trong một nền kinh tế thị trường vì một trong hai lý do sau: hoặc là người dân tăng chi tiêu nhanh hơn mức người sản xuất có thể tăng sản lượng hàng hoá và dịch vụ, hoặc có một sự sụt giảm về lượng cung hàng hoá và dịch vụ cho người tiêu dùng và/hoặc người sản xuất, do đó làm giá cả tăng lên. Lạm phát đôi khi được mô tả là sự tăng lên về lượng tiền so với sự giảm đi  về số lượng hàng hoá.

Lạm phát gây ra khó khăn đối  với các nền kinh tế đang  trong quá trình chuyển đổi, bởi vì sự tự do hoá giá cả – xoá bỏ sự quản lý của chính phủ về giá cả – là một bước đi căn bản để tiến tới một nền kinh tế thị trường. Kết quả đầu tiên của sự tự do hoá giá cả là có thể tiên đoán – một đợt tăng giá đối với các hàng loạt hàng hoá vẫn bị thiếu hụt kinh niên. Vì sao? Bởi vì chính phủ cố ý giữ giá những sản phẩm này ở mức thấp nên cầu luôn vượt quá cung, hoặc do các sai lệch về kinh tế khác và những sự không hiệu quả gây ra bởi những người ra quyết định trong chính phủ. Ngoài ra, nếu người dân đang giữ một lượng tiền lớn vào thời điểm nền kinh tế chuyển đổi (vì lượng tiền cần để mua hàng rất ít) thì áp lực của lạm phát thậm chí lại càng gia tăng.

Tuy nhiên, phần thưởng cho việc trải qua cuộc lạm phát tất yếu này trong giai đoạn chuyển đổi lại rất lớn. Không bị kìm hãm bởi chính phủ, cơ chế thị trường về cung và cầu có thể bắt đầu hoạt động. Giá cả cao phát tín hiệu về nhu cầu cao và thị trường, thay vì chậm chạp như lúc đầu, đã có phản ứng bằng việc tăng sản xuất. Tiền của người dân có thể đã mất giá trị, nhưng số tiền mà họ có lúc này có giá trị thật và người tiêu dùng có thể mua các hàng hoá đang bắt đầu xuất hiện trong các cửa hàng. Cùng với cung hàng hoá tăng lên, giá cả trở nên ổn định và không còn thấy những dòng người xếp hàng vì người tiêu dùng nhận ra rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều loại hàng hoá phong phú tiếp tục được bán ra.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư phản ứng trước sự tự do kinh tế mới bằng việc khởi sự công việc kinh doanh mới và cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ, do đó, tạo ra công việc, mở rộng lượng cung và làm giá cả ổn định hơn.

Yếu tố then chốt trong sự chuyển đổi này là chính phủ từ bỏ vai trò của mình trong việc áp đặt giá cả và cho phép các lực lượng thị trường là cầu và cầu xác lập giá cả đối  với hầu hết các loại hàng hoá và dịch vụ. Khi một thị trường tự do như vậy hình thành, lạm phát có thể vẫn kéo dài nhưng vấn đề này dễ quản lý hơn nhiều và bớt đi tính đe doạ so với những ngày đầu khó khăn của quá trình chuyển đổi.

Sự tàn phá và đau khổ do một cơn bùng nổ tăng giá gây ra trong một nền kinh tế chuyển đổi  (được  gọi là siêu lạm phát) rất rõ ràng đối  với tất cả mọi người. Tuy nhiên, mức lạm phát thấp hơn điển hình trong nền kinh tế thị trường có thể trở thành vấn đề hay không? Liệu mọi người có giàu lên chăng khi không có lạm phát và giá cả cũng như thu nhập vẫn thấp như cách đây 100 năm? Chưa chắc. Nếu thu nhập của Robert và Maria tăng gấp 10 lần và giá cả của mọi thứ cũng tăng lên như vậy thì họ chẳng khấm khá hơn so với trước đó.

Lý do mà người dân trong nền kinh tế thị trường quan tâm đến lạm phát trong những khoảng thời gian ngắn hơn là vì khi giá cả tăng lên, thu nhập và sự giàu có được phân phối lại theo một cách tuỳ ý không liên quan đến sản lượng hoặc năng suất của công nhân và các công ty. Ví dụ, giả sử Robert và Maria đã mua một ngôi nhà và vay tiền để trả với lãi suất là 10%. Sau đó, tỷ lệ lạm phát tăng từ 5% lên 15%. Họ sẽ có lợi từ những sự thay đổi này vì số tiền mà họ trả nợ sẽ không có giá trị bằng số tiền khi họ vay ban đầu để mua ngôi nhà. Nói cách khác, số tiền đó không đủ để mua được số hàng hoá và dịch vụ như lúc ban đầu. Đó là tin vui cho Robert và Maria nhưng lại là tin xấu đối với những người cho họ vay tiền.

Cũng tương tự như vậy, những ai có lương hưu cố định (hoặc nhận được các khoản tiền cố định khác theo một hợp đồng dài hạn) sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, trong khi những người phải thanh toán theo yêu cầu của những hợp đồng đó lại có lợi. Những người để dành tiền và các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng vì lạm phát làm giảm giá trị của số tiền của họ. Ngược lại, những người có thể phải trả nợ hoặc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng khác bằng đồng tiền bị lạm phát thì thường có lợi, trừ khi lãi suất và các khoản thanh toán khác được  phép điều chỉnh theo mức lạm phát.

Các quốc gia cần tiền tiết kiệm và các khoản tiền vay để đầu tư thêm cho tư liệu sản xuất – nhà xưởng, nhà máy và công nghệ mới. Do đó, bằng việc làm ảnh hưởng đến người tiết kiệm, lạm phát có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng về lâu dài của một quốc gia. Và thậm chí nhìn rộng ra, lạm phát làm cho hoạt động kinh doanh và kinh tế khó dự đoán hơn, do đó, khiến cho đầu tư vào các nước khác có lạm phát thấp hoặc không có lạm phát trở nên hấp dẫn hơn. Liệu một công ty sẽ xây dựng một nhà máy ở một nước có tỷ lệ lạm phát không dự đoán  được  thay đổi  trong khoảng từ 10% đến  15%, hay ở một địa điểm có tỷ lệ lạm phát trước đây ổn định trong khoảng từ 2% đến 5%? Câu trả lời là ở địa điểm sau. Như vậy, lạm phát làm cho số người bị thua thiệt trở nên nhiều hơn so với số người được lợi bằng cách phá huỷ môi trường kinh tế đối với tất cả các cá nhân và doanh nghiệp.

Vì vậy, chính sách ổn định giá của chính phủ phải cân bằng được  giữa nhu cầu khuyến khích tăng trưởng kinh tế và sự đòi  hỏi phải kiểm soát được lạm phát.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành