Thứ sáu, 12 Tháng 12 2014 10:26

Sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng và sự hợp tác giữa khu vực công và tư

I. Yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng về việc thúc đẩy sự tham gia của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng:

Trong khả năng có thể và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công, như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; và nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về sự tồn tại, nguyên nhân và tính chất nghiêm trọng cũng như sự đe dọa của tham nhũng.

Mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp đảm bảo công chúng biết đến các cơ quan chống tham nhũng nêu trong Công ước này và phải cho phép tiếp cận với các cơ quan này khi thích hợp để công chúng có thể thông báo, kể cả dưới hình thức nặc danh, về bất kỳ sự kiện nào có thể được coi là cấu thành một tội phạm được quy định theo Công ước này.

II. Thực tiễn tốt của các quốc gia trong triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng về chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên:

1. Cộng hòa Áo:

Kể từ khi được thành lập vào tháng 1/2010, Cục chống tham nhũng liên bang Áo (BAK) xác định phòng ngừa tham nhũng là một trong những trọng tâm chính. Do đó, để phù hợp với cách tiếp cận theo bốn trụ cột, cơ quan này đã triển khai Đề án về Giáo dục phòng, chống tham nhũng cho học sinh trong độ tuổi từ 14 đến 18 ở các trường cấp II, cấp III và các trường đào tạo nghề:

- Kiến thức về tham nhũng được nâng cao. Học sinh sẽ được làm quen với các thuật ngữ như: tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng, tội phạm kinh tế, sự tuân thủ, các biểu hiện tham nhũng và cơ sở pháp lý trong đấu tranh chống tham nhũng.

- Kiến thức về các giá trị, quyết định và hành động: học sinh không chỉ có thể đánh giá được mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế với các giá trị đạo đực mà còn có thể thiết lập được vai trò của một công dân về vấn đề phòng ngừa và chống tham nhũng.

- Các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội: nội dung giảng dạy bao gồm khái niệm của thuật ngữ “tham nhũng”, các hình thức tham nhũng, nguyên nhân và hậu quả của tham nhũng, các mô hình để giải thích về hiện tượng tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng và các cơ quan, công cụ phòng, chống tham nhũng.

Nội dung đào tạo gồm 8 bài học, mỗi bài học trong thời gian 45 phút đã được xây dựng bởi một đội ngũ các chuyên gia về tâm lý học, xã hội học, luật, hình sự học, điều tra và giáo dục và dựa trên những phản hồi của sinh viên sau mỗi khóa học để cập nhật và sửa đổi nội dung theo hướng phù hợp và hiệu quả hơn.

2. Cộng hòa Venezuela:

Chính phủ nước này đã triển khia một Chương trình để huy động sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng mang tên “Kiểm soát viên tới trường học” tại 13 bang và yêu cầu các học sinh từ 9 đến 14 tuổi ủng hộ cho chương chương trình này trong thời gian 1 năm. Các bước tiến hành Chương trình này gồm:

       - Chọn lựa địa điểm triển khai.

       - Giới thiệu chương trình với Ban Giáo dục của nhà trường.

       - Giới thiệu cho giáo viên và toàn thể cán bộ của nhà trường.

       - Giới thiệu cho học sinh.

       - Đề cử các ứng viên làm kiểm soát viên.

       - Chiến dịch tranh cử của các ứng viên.

       - Bầu kiểm soát viên trong trường học theo quy trình của Hội đồng bầu cử quốc gia.

       - Công bố các kiểm soát viên được bầu chọn.

       - Tuyên thệ của những người trúng cử.

       - Tổ chức các buổi nói chuyện giới thiệu cho các kiểm soán viên được bầu chọn.

       - Giới thiệu tới phụ huynh và các đại diện của các kiểm soát viên và đội của họ.

       - Giám sát chương trình.

       - Trách nhiệm giải trình của các kiểm soát viên.

3. Trung Quốc:

Các trường phổ thông và đại học trên khắp cả nước đã tích cực tham gia tìm kiếm các phương pháp và các hình thức giáo dục mới để thúc đẩy các chương trình giáo dục liêm chính ngày càng đa dạng và có trọng tâm hơn. Các phương pháp sau đã được áp dụng trong quá trình thực hiện:

- Kết hợp giáo dục liêm chính với sự phát triển tự nhiên của một nền văn hóa học đường lành mạnh. Các chủ đề về liêm chính đã được giới thiệu trong rất nhiều các công việc và sự kiện về văn hóa, như trong các bài hát dân gian, các câu chuyện, các trò chơi, trong các bài viết, bức vẽ, các vở diễn hay các bài học thêm của trẻ em và trong các cuộc tranh luận để giúp thế hệ trẻ có thể bồi dưỡng tính cách và hình thành những quy tắc ứng xử của bản thân.

- Thiết kế các chương trình đặc biệt cho các bước ngoặt chính trong quá trình phát triển của một sinh viên. Từ lúc nhập  học đến lúc tốt nghiệp, từ thời điểm kiểm tra đến thời điểm đánh giá, từ khi đi thực tập đến lúc tìm việc, tất cả những thời điểm bước ngoặt trong sự phát triển cá nhân của mỗi sinh viên được coi là những cơ hội quan trọng để giáo dục liêm chính.

- Lồng ghép giáo dục liêm chính vào các hoạt động ngoại khóa. Các trường đại học ở tỉnh Giang Tô yêu cầu các sinh viên của mình tham gia vào việc thúc đẩy một nền văn hóa trong sạch ở các vùng nông thôn bằng cách mang văn hóa, khoa học và kỹ thuật tới các vùng nông thôn.

- Sử dụng các diễn đàn trực tuyến. Tại các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tô và các địa điểm khác, giáo dục liêm chính được đưa vào là một phần quan trọng trong việc phát triển các mạng lưới giáo dục từ xa của các trường miền núi, các mạng lưới học đường của các trường cao đẳng và đại học và các mạng lưới nghiên cứu giảng dạy và một lượng lớn các chương trình đại diện đã được khởi động.

4. Hàn Quốc:

Lồng ghép nội dung liêm chính vào sách giáo khoa cấp I và cấp II. Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em sẽ giúp tạo ra các giá trị liêm chính đúng đắn, Ủy ban chống tham nhũng và nhân quyền của Hàn Quốc ACRC đã làm việc với các trường cấp I và cấp II để lồng ghép các nội dung về liêm chính và chương trình sách giáo khoa sửa đổi mới đây.

       Thành lập các nhóm sinh viên liêm chính trong trường đại học. Nhóm sinh viên liêm chính trong trường đại học được thành lập để tăng cường các giá trị liêm chính và mở rộng văn hóa liêm chính thông qua các ý tưởng tuyên truyền sáng tạo.

III. Kinh nghiêm quốc tế về việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng và internet trong phòng, chống tham nhũng:

1. Hoa Kỳ:

- Sử dụng internet để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ. Các cơ quan thuộc nhánh Tư pháp, Văn phòng quản trị của Tòa án Mỹ cung cấp thông tin và nguồn dữ liệu cho giáo viên và sinh viên, gồm các đoạn phim giới thiệu ngắn, các hướng dẫn hội thoại để khuyến khích các cuộc tranh luận về các vấn đề dân sự và hiến pháp và các nguồn dữ liệu để tiến hành mô phỏng các phiên tòa. Các cơ quan thuộc nhánh Lập pháp, Trang thông tin điện tử “Trẻ em ở trong nhà” là một dịch vụ công do Văn phòng của Hạ viện Mỹ thiết lập với mục đích cung cấp các thông tin về giáo dục và giải trí có liên quan tới hoạt động của các cơ quan thuộc nhánh Lập pháp với học sinh, sinh viên các độ tuổi. Các cơ quan thuộc nhánh Hành pháp, “Kids.gov” là trang thông tin điện tử chính thức dành cho trẻ em của Chính phủ Mỹ. Trang web này kết nối trẻ em, phụ huynh và giáo viên tới các thông tin và dịch vụ của Chính phủ, từ các cơ quan chính phủ, các trường học và các tổ chức giáo dục.

- Sử dụng internet để giáo dục công chúng và nâng cao nhận thức về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong xã hội. Chính phru Mỹ sử dụng internet và truyền thông xã hội như một đòn bẩy để giáo dục công chúng về tính liêm chính, chống tham ô và tham nhũng. Nhiều sáng kiển cụ thể trong số 26 sáng kiến nằm trong kế hoạch hành động của Hệ thống quan hệ đối tác chính phủ mở OGP Mỹ đã sử dụng internet như một diễn đàn để tăng cường liêm chính công và quản lý các nguồn lực hiệu quả hơn thông quan việc tăng cường minh bạch và tiếp cận thông tin.

2. Nigieria:

Các biện pháp, chính sách huy động sự tham gia của công chúng thông qua internet của Vụ các vấn đề công trực thuộc Ủy ban về tội phạm kinh tế và tài chính EFCC:

- Cung cấp đầy đủ và có chất lượng các thông tin trực tuyến tới người dân về công tác phòng ngừa, điều tra và truy tố.

- Giúp người dân có thể báo cáo trực tuyến về các tội phạm kinh tế và tài chính một cách thuận tiện nhất.

- Trả lợi các câu hỏi và yêu cầu của công chúng kịp thời.

- Sử dụng các mạng lưới truyền thông xã hội để tương tác với người dân, theo dõi các bình luận, ý kiến, quan điểm để nắm bắt được quan điểm của người dân đối với các chính sách và hoạt động của Ủy ban.

- Đảm bảo việc tuyên truyền, phổ biến thông tin kịp thời và nhanh chóng, kiểm soát các thông tin sai lệch về công tác phòng ngừa và chống tham nhũng.

- Thông qua các chương trình truyền hình, radio và các chương trình giải trí khác để khuyến khích người dân sử dụng internet trong việc kết nối với các thông tin về hoạt động chống tham nhũng.

 - Sử dụng tin nhắn qua điện thoại và Youtube để phát đi các thông điệp về chống tham nhũng.

IV. Các sáng kiến trong hệ thống Liên hợp quốc để thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào công tác phòng, chống tham nhũng:

1. Các sáng kiến giáo dục về chống tham nhũng:

UNODC có vai trò hàng đầu trong Sáng kiến giáo dục về chống tham nhũng. Một dự án nhằm xây dựng một chương trình chống tham nhũng toàn diện bao gồm các bài giảng dành cho cá nhân, giáo trình, nghiên cứu tình huống, công cụ giáo dục và tài liệu tham khảo có thể sẽ được các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác đưa vào các chương trình hiện có. Một danh mục các chủ đề trực tuyến đã được xây dựng trong tháng 1 năm 2013 để hỗ trợ các giáo sư và sinh viên quan tâm đến giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục.

Danh mục chứa gần 600 tài liệu giáo dục phòng chống tham nhũng, được sắp xếp theo 20 chủ đề. UNODC gần đây đã hoàn thành một khóa học toàn diện cho sinh viên đại học nhằm phát triển hiểu biết về các biện pháp cần thiết để chống tham nhũng ở cấp quốc gia.

2. Thành lập hoặc hỗ trợ hoạt động cho các học viện về phòng, chống tham nhũng:

Tháng 11 năm 2011, UNODC đã ký một thỏa thuận hợp tác chính thức với Học viện quốc tế chống tham nhũng. Thông qua các quan hệ đối tác công - tư nhằm thúc đẩy tính liêm chính trong dự án mua sắm công. UNODC sẽ hợp tác với Học viện xây dựng nội dung về mua sắm công để đưa vào các khóa giảng dạy tại Học viện.

Dựa trên các nghị quyết 3/2 và 4/3 của Công ước và khuyến nghị của Nhóm công tác tại cuộc họp bổ sung lần thứ nhất, UNODC hiện đang xây dựng một công cụ kỹ thuật để hỗ trợ các quốc gia đưa ra các biện pháp thúc đẩy việc báo cáo về tham nhũng một cách có trách nhiệm và chuyên nghiệp phù hợp với Điều 13 của Công ước.

UNODC cũng đang nỗ lực để nâng cao việc giáo dục về phòng, chống tham nhũng ở các trường học. UNODC đóng vai trò dẫn đầu trong sáng kiến chống tham nhũng học được ACAD, một dự án hợp tác trong học đường nhằm xây dựng một chương trình phòng, chống tham nhũng tổng thể, gồm các module cá nhân, đề cương môn, nghiên cứu tình huống, các công cụ giáo dục và các tài liệu tham khảo có thể được các trường đại học và các học viện khác lồng ghép vào các chương trình giáo dục.

UNODC gần đây cũng đã hoàn thành một khóa học tổng thể cho sinh viên đại học và sau đại học để có thêm hiểu biết về các biện pháp cần thiết trong phòng, chống tham nhũng ở cấp quốc gia. Khóa học này giới thiệu cho sinh viên vấn đề tham nhũng ở cả góc độ quốc gia và toàn cầu và các biện pháp mà Chính phủ có thể thực hiện để phòng ngừa và chống tham nhũng, sử dụng Công ước như một khung pháp lý.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành