Thứ sáu, 12 Tháng 12 2014 10:33

Yêu cầu của công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm quốc tế trong việc hình sự hóa hành vi hối lộ và bảo vệ người tố giác

I. Các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng:

1. Yêu cầu về hình sự hóa hành vi tham nhũng nói chung và hành vi hối lộ nói riêng:

Các dấu hiệu chung đối với tội phạm tham nhũng theo yêu cầu của Công ước có thể được khái quát như sau:

- Về chủ thể của tội phạm tham nhũng: Theo Công ước, chủ thể của tội phạm tham nhũng có thể là thể nhân hoặc pháp nhân ở trong và ngoài khu vực nhà nước có hành vi liên quan đến sử dụng sai chức vụ, quyền hạn được được giao vì vụ lợi. Cách tiếp cận này của Công ước dựa trên quan niệm của nhiều quốc gia thành viên và tổ chức quốc tế hiện nay. Theo đó, “tham nhũng” được định nghĩa là việc sử dụng sai quyền hạn được giao vì lợi ích cá nhân. Vì vậy chủ thể của tội phạm tham nhũng bao gồm người có chức vụ, quyền hạn trong cả khu vực nhà nước và ngoài khu vực ngoài nhà nước; người không có chức vụ, quyền hạn nhưng có liên quan đến việc sử dụng sai chức vụ, quyền hạn như thu lợi bất chính hoặc tác động vào người có chức vụ, quyền hạn.

- Khách thể của tội phạm tham nhũng: Xét ở khía cạnh khách thể của tội phạm chính là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, thì khách thể của tội phạm tham nhũng theo quy định của Công ước là hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hoặc ngoài khu vực nhà nước. Hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được hiểu là bao gồm cả hoạt động với danh nghĩa của chính cơ quan, tổ chức, đơn vị đó hoặc hoạt động của người quản lý hoặc các nhân viên làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Mặt khách quan của tội phạm tham nhũng: Công ước coi tham nhũng là một trong những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội nói chung. Tính nguy hiểm cho xã hội của tham nhũng được thể hiện qua việc tham nhũng làm xói mòn lòng tin của người dân đối với nhà nước, hạn chế hiệu lực tác động của chính sách, pháp luật đến các quan hệ xã hội và tạo ra sự bất ổn về chính trị - xã hội đối với mỗi quốc gia. Những tác động tiêu cực của tham nhũng đến xã hội trong một thời gian dài nếu không được kiểm soát có hiệu quả sẽ làm triệt tiêu những thể chế chính thức và thay vào đó là những thể chế phi chính thức. Tham nhũng phát sinh từ quyền lực chính trị sẽ giúp thâu tóm và củng cố quyền lực kinh tế, vì vậy những thiệt hại gây ra bởi hành vi tham nhũng rất lớn, khó khắc phục.

- Mặt chủ quan của tội phạm tham nhũng: Theo yêu cầu của Công ước, các tội phạm tham nhũng được thực hiện với lối cố ý. Khi đó, người thực hiện hành vi tham nhũng mặc dù nhận thức được về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng vẫn mong muốn thực hiện hoặc biết hành vi của mình gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù không muốn nó xảy ra nhưng hoàn toàn chấp nhận hậu quả đó.

Các yêu cầu của Công ước về hình sự hóa hành vi hối lộ:

- Đưa hối lộ công chức quốc gia: Quốc gia thành viên có nghĩa vụ quy định thành tội phạm, quy định về việc xử lý hình sư đối với các hành vi hứa hẹn, chào mời hoặc đưa trực tiếp hoặc gián tiếp một lợi ích bất chính cho công chức quốc gia khi được thực hiện một cách cố ý cho bản thân họ hoặc cho người hoặc tổ chức khác để công chức đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thực thi công vụ.

- Nhận hối lộ của công chức quốc gia: Quốc gia thành viên có nghĩa vụ quy định thành tội phạm hành vi của công chức quốc gia, trực tiếp hay gián tiếp, đòi hoặc nhận một lợi ích bất chính cho chính bản thân công chức hay cho một người hoặc một tổ chức khác để công chức đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ.

- Đưa hối lộ công chức nước ngoài và công chức tổ chức quốc tế công: Quốc gia thành viên có nghĩa vụ quy định thành tội phạm khi được thực hiện một cách cố ý hành vi hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công một lợi ích bất chính cho bản thân công chức hoặc người hay tổ chức khác, để công chức đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ, nhằm có được hoặc duy trì công việc kinh doanh hay lợi thế không chính đáng khác liên quan đến hoạt động kinh doanh quốc tế.

   - Nhận hối lộ của công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công: Mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định thành tội phạm khi được thực hiện một cách cố ý hành vi của công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công đòi hoặc chấp nhận một cách trực tiếp hay gián tiếp, lợi ích không chính đáng cho bản thân công chức hoặc người hay tổ chức khác để công chức đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ.

2. Các yêu cầu về bảo vệ người tố giác:

Mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét việc quy định các biện pháp thích hợp trong hệ thống pháp luật quốc gia để bảo vệ trước những đối xử bất công đối với bất kỳ người nào tố giác với thiện ý và dựa trên những căn cứ hợp lý, với cơ quan có thẩm quyền về bất cứ vụ việc nào có liên quan đến các tội phạm quy định theo Công ước này.        

Về khung chính sách: Các quốc gia thành viên cần hình thành khung chính sách để làm rõ các vấn đề sau: Đối tượng, lĩnh vực, hoạt động, ngành hoặc cơ quan, tổ chức phải thực hiện công khai; Ai có quyền tố cáo, tố giác; Ai có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tố cáo, tố giác; Các yêu cầu về hình thức và thông tin của đơn tố cáo, tố giác; Thế nào được gọi là đối xử bất bình đẳng; Các biện pháp bảo vệ nguồn cung cấp thông tin; Các biện pháp loại trừ tố cáo, tố giác sai sự thật.

Sự vào cuộc của cán bộ, công chức: Sự tham gia của cán bộ, công chức cần được nhìn nhận ở các khía cạnh sau: Thúc đẩy hiểu biết chung về ứng xử phù hợp; Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tránh những ứng xử không phù hợp; Hiểu về tầm quan trọng của việc nói ra, đặc biệt là nhấn mạnh đến trách nhiệm của mọi người trong việc thông báo, báo cáo về hành vi ứng xử sai.

Sự vào cuộc của công chúng: Các quốc gia thành viên cần lưu ý về tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào tố cáo, tố giác tham nhũng. Vì vậy họ mong muốn xem xét bảo vệ không chỉ cán bộ, công chức, người lao động trong các pháp nhân mà còn bất kỳ ai tố cáo, tố giác về các dấu hiệu tham nhũng mà không phụ thuộc vào địa vị, hoàn cảnh của họ.

Tố cáo, tố giác phù hợp: Theo Công ước, để được bảo vệ thì phải tố cáo, tố giác một cách thiện ý và dựa trên những bằng chứng hợp lý. Chính vì vậy, cần phải làm rõ các điều kiện trong các quy định của pháp luật trên thực tế. Việc tiết lộ phải được nhìn nhận một cách khách quan và kể cả khi được chứng minh là không chính xác thì pháp luật cũng phải có quy định mở ở mức độ tối đa để người tố cáo, tố giác vẫn được nhìn nhận là có thiện ý.

Các biện pháp bảo vệ người tố cáo, tố giác: Người tố cáo, tố giác có thể lo lắng rằng họ có thể sẽ bị phân biệt đối xử. Các công cụ để ngăn chặn tình trạng này rất đa dạng. Nói chung, các biện pháp bảo vệ cần tương xứng với mối nguy hiểm, mặc dù cần tính đến cả những trường hợp mà người tố cáo, tố giác không nhận thức được về mức độ nghiêm trọng của tố cáo, tố giác hoặc khả năng sẽ không hoàn toàn đúng như cáo buộc ban đầu sau quá trình xác minh làm rõ hoặc điều tra tiếp theo.

II. Kinh nghiệm quốc tế về hình sự hóa hành vi hối lộ và bảo vệ người tố cáo, tố giác:

1. Về hình sự hoát hành vi hối lộ:

Kinh nghiệm của Liên bang Nga:

   - Người có chức vụ trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hối lộ dưới dạng tiền, chứng khoán, ài sản hay lợi ích vật chất khác để làm một việc trong hoạt động công vụ hay lợi dụng vị trí công tác của mình để làm một việc vì lợi ích hoặc nhằm bao che, thông đồng với người đưa hối lộ hay người mà người đó đại diện thì bị phạt tiền từ 100 nghìn đến 500 nghìn Rúp hoặc một khoản tiền lương hoặc tiền công hay thu nhập của người bị kết án trong thời gian từ 1 đến 3 năm, hoặc bị phạt tù đến 5 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc tham gia công việc nhất định trong một thời hạn đến 3 năm.

   - Người có chức vụ nhận hối lộ để làm một việc trái pháp luật thì bị phạt từ từ 3 năm đến 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định hay tham gia các công việc nhất định trong một thời hạn đến 3 năm.

   - Trường hợp các hành vi ở trên được thực hiện bởi người giữ chức vụ trong chính quyền liên bang hoặc các cơ quan trực thuộc chính quyền liên bang, người đứng đầu các cơ quan tự trị địa phương thì có thể sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc tham gia vào các hoạt động cụ thể trong một thời hạn đến 3 năm.

   - Thực hiện hành vi trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức, hủy bọ dấu vết phạm tội, ép buộc đưa hối lộ hoặc của hối lộ có giá trị lớn thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm, có thể kèm theo phạt tiền đến 1 triệu Rúp hoặc tương đương với một khoản tiền lương, tiền công hay thu nhập khác của người bị kết án trong một thời hạn đến 5 năm.

Kinh nghiệm của Trung Quốc:

- Nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền đòi tiền hoặc nhận tiền một cách phi pháp của người khác để làm lợi cho họ. Nhân viên Nhà nước trong các hoạt động giao dịch kinh tế vi phạm các quy định của Nhà nước nhận các khoản tiền hoa hồng, phí dịch vụ dưới mọi danh nghĩa để biến thành sở hữu của mình cũng sẽ bị xử phạt theo tội nhận hối lộ.

- Bất kỳ cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp hoặc tổ chức nhà nước hay các tổ chức nhân dân ép buộc hoặc nhận một cách bất hợp pháp tài sản từ người khác và tìm kiếm lợi ích cho người khác và nếu trong các trường hợp nghiêm trọng thì cơ quan, tổ chức đó sẽ bị phạt tiền và người trực tiếp chịu trách nhiệm và những người khác tham gia trực tiếp vào thực hiện tội phạm sẽ bị phạt tù đến 5 năm hoặc cải tạo không giam giữ.

- Hành vi của nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền hoặc địa vị thông qua hành vi của nhân viên nhà nước khác, làm lợi bất chính cho người thứ ba, đòi hoặc nhận tiền, tài sản của người được hưởng lợi cũng bị xử lý theo tội nhận hối lộ.

- Người nào để có được một lợi ích bất chính, đưa cho nhân viên nhà nước tiền, tài sản thì sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ.

- Người nào vì mong muốn có được lợi ích bất chính đã đưa tiền, tài sản cho cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp quốc doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể nhân dân hoặc trong các giao dịch kinh tế đã vi phạm quy định của Nhà nước mà có hành vi đưa tiền hoa hồng, phí dịch vụ thì bị phạt tù đến 5 năm hoặc cải tạo không giam giữ.

- Người nào giới thiệu việc hối lộ cho nhân viên nhà nước có tình tiết nghiêm trọng sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ.

- Bất kỳ nhân viên nhà nước nào trong các hoạt động trong nước vì mục đích công hoặc trong giao tiếp với người nước ngoài, nhận quà và không nộp cho nhà nước theo quy định của pháp luật thì nếu quà tặng có giá trị lớn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Về bảo vệ người tố cáo, tố giác:

Kinh nghiệm của Luxembourg:

Người lao động, công chức hoặc viên chức có thể thông báo về hành vi trái pháp luật cho cấp trên của mình, Văn phòng Công tố viên hoặc một cơ quan thực thi pháp luật khác. Tuy nhiên sẽ không được bảo vệ nếu người lao động, công chức hoặc viên chức thông báo vụ việc đến cơ quan truyền thông, báo chí hoặc các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức khác không thuộc hệ thống các cơ quan, tổ chức mà mình đang công tác, làm việc. Quy định này thường thấy xuất hiện trong pháp luật của nhiều nước khi nhìn nhận việc người lao động hoặc công chức, viên chức tố cáo một vụ việc có dấu hiệu pháp luật ra bên ngoài như là một sự phản bội đối với người sử dụng lao động hoặc người quản lý tại nơi làm việc.

Kinh nghiệm của Rumani:

Luật bảo vệ người tố cáo quy định việc cán bộ, công chức, viên chức có thể tự do lựa chọn các hình thức khác nhau để thực hiện quyền tố cáo, bao gồm cả tố cáo qua các kênh bên trong hoặc bên ngoài như người quản lý, các bộ phận phụ trách về liêm chính tại cơ quan, nơi làm việc, cảnh sát, các cơ quan tư pháp, cơ quan của Quốc hội, các hiệp hội, các tổ chức thương mại và công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, truyền thông. Khi thực hiện quyền tố cáo thông qua các phóng viên báo chí, nhà hoạt động xã hội, chủ thể bên ngoài khác thì người tố cáo cũng được bảo vệ nhưng chỉ trong trường hợp tố cáo về các vụ việc bên trong cơ quan, tổ chức nơi người tố cáo công tác, làm việc.

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 09 Tháng 2 2015 03:30

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành