Thứ ba, 17 Tháng 3 2015 00:00

Kinh nghiệm về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của kiểm toán Nhà nước tại cộng hòa liên bang Đức

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

1. Địa vị pháp lý

Cơ quan Kiểm toán Liên Bang Đức quy định trong luật là cơ quan có thẩm quyền tối cao của Liên bang với tư cách là một thể chế độc lập về kiểm tra tài chính, cơ quan Kiểm toán Liên Bang chỉ tuân thủ luật pháp. Địa vị của kiểm toán nhà nước Liên Bang và của các uỷ viên cũng như những nhiệm vụ cơ bản được đảm bảo bằng Hiến pháp[1]. Trong phạm vi chức năng do Luật quy định, cơ quan Kiểm toán Liên Bang sẽ giúp Nghị viện trong quá trình đưa ra các quyết định, nghĩa là kiểm toán nhà nước Liên bang không phải là một cơ quan của Chính phủ, cũng không phải là cơ quan của Quốc hội, và cũng không phải là cơ quan tư pháp. Vị trí đó bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm tra tài chính nói chung, ngân sách nói riêng. Đây là điểm khác biệt so với cơ quan kiểm toán nhà nước của Việt Nam vì theo quy định tại khoản 1, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì kiểm toán nhà nước do Quốc hội thành lập.

2. Tổ chức, bộ máy

Theo điều 2 của Luật về cơ quan Kiểm toán Liên Bang ban hành ngày 11/7/1985 quy định rằng: Cơ quan Kiểm toán Liên Bang bao gồm có các cơ quan kiểm toán khu vực và các bộ phận kiểm toán. Có thể thành lập các nhóm kiểm toán để thực hiện các chức năng đặc thù. Cần hình thành bộ phận kiểm toán riêng tại Phủ tổng thống chịu trách nhiệm về các dịch vụ văn phòng. Tại các Bang thành lập cơ quan kiểm toán riêng theo luật từng Bang.

 Căn cứ điều luật này, bộ máy của kiểm toán nhà nước Liên bang bao gồm Kiểm toán Liên Bang trụ sở đóng ở Frantfurt và 9 kiểm toán nhà nước khu vực cấp dưới hiện nay có hơn 500 nhân viên (ở Berlin, Frankfurt am Main, Hamburg, Hannover, Koblenz, Koeln, Magdeburg, Muenchen và Stuttgart), và có 2 phân viện ở Bonn và Berlin.

Cơ cấu tổ chức kiểm toán nhà nước Liên bang như sau:

• Các thành viên gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách các khu vực kiểm toán và phụ trách các Vụ và trưởng phân ban kiểm toán.

Ở Việt Nam tổ chức, bộ máy kiểm toán nhà nước được quy định trong dự thảo Luật kiểm toán nhà nước như sau:

Đứng đầu cơ quan kiểm toán nhà nước là tổng kiểm toán nhà nước, và các phó tổng kiểm toán nhà nước là người giúp việc cho tổng kiểm toán nhà nước.

Bộ máy kiểm toán được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm: Văn phòng kiểm toán nhà nước; các đơn vị thuộc bộ máy điều hành, kiểm toán nhà nước chuyên ngành, kiểm toán nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp công lập.

• Chủ tịch và Phó chủ tịch kiểm toán nhà nước Liên bang do Quốc hội bầu theo đề nghị của Thủ tướng với nguyên tắc đa số phiếu với nhiệm kỳ 12 năm. Các vị trí này chỉ được bầu một lần, Chủ tịch và Phó chủ tịch là công chức Nhà nước, không phải là nhà chính trị. Chủ tịch và Phó chủ tịch kiểm toán nhà nước Bang do các Đảng phái trong Quốc hội Bang lựa chọn và Quốc hội chấp thuận.

Đối với các quy định mới trong dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước thì Tổng kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước là 5 năm nhưng không được bầu lại quá hai nhiệm kỳ.

• Chủ tịch kiểm toán nhà nước Liên bang đứng đầu kiểm toán nhà nước, đứng đầu Hội đồng lãnh đạo (còn gọi là Hội đồng mở rộng) và có thể làm Chủ tịch ban lãnh đạo Vụ hoặc khu vực. Phó chủ tịch giúp việc Chủ tịch và thay mặt Chủ tịch lúc Chủ tịch đi vắng.

• Hội đồng lãnh đạo kiểm toán nhà nước Liên bang có nhiều thành viên được xác định tuỳ theo từng thời kỳ, Hội đồng lãnh đạo lập ban Thường vụ của Hội đồng.

• Hội đồng khu vực: Mỗi vùng lập một Hội đồng khu vực do người đứng đầu khu vực làm chủ tịch và các Trưởng ban kiểm toán của khu vực. Chủ tịch và Phó chủ tịch kiểm toán nhà nước Liên bang có thể tham gia Hội đồng khu vực và khi đó sẽ làm Chủ tịch Hội đồng.

• Các Vụ: Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán của kiểm toán nhà nước, đứng đầu là Vụ trưởng. Trong mỗi Vụ được chia ra các phân ban kiểm toán.

Vụ được tổ chức căn cứ vào chức năng của các Bộ là cơ quan hành chính ở Liên bang, mỗi Vụ phụ trách một số Bộ ở Liên bang, một số Vụ tham mưu chỉ chuyên lo các vấn đề cơ bản của kiểm toán, có Vụ vừa làm công việc kiểm toán vừa làm tư vấn về lĩnh vực tài chính và kinh tế…

Ở Việt Nam theo quy định của dự thảo Luật kiểm toán nhà nước thì các văn phòng kiểm toán, kiểm toán nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp công lập có Kiểm toán trưởng là người đứng đầu, các Phó kiểm toán trường giúp kiểm toán trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Kiểm toán trưởng và chịu trách nhiệm trước kiểm toán trưởng. Kiểm toán trưởng và các phó kiểm toán trưởng do Tổng kiểm toán nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

3. Cơ chế hoạt động

Quyền hạn của Chủ tịch cơ quan Kiểm toán Liên Bang rất cao, Chủ tịch lập ra kế hoạch với sự tham gia của Thường vụ Hội đồng lãnh đạo và các kiểm toán viên thông qua các cuộc họp để lấy ý kiến. Chủ tịch sẽ phân công nhiệm vụ cho các Vụ các phân ban. Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch) có thể tự mình làm Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo, Hội đồng khu vực và kiêm cả lãnh đạo Vụ. Hơn nữa theo Luật ngân sách Liên bang, những việc quy định kiểm toán nhà nước Liên bang phải thực hiện kiểm toán thì Chủ tịch lập và Ban kiểm toán sẽ tham gia hoặc chỉ một mình Chủ tịch (nếu không có Chủ tịch thì Phó chủ tịch) thực hiện (qui định về giữ bí mật) mà không cần Hội đồng lãnh đạo biết.

Kiểm toán nhà nước Liên bang và kiểm toán nhà nước các bang độc lập với nhau, nhưng đều lấy Luật ngân sách làm chỗ dựa nên đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau trong cơ chế gọi là đồng kiểm toán hay kiểm toán chung. Theo cơ chế này, kiểm toán nhà nước Liên bang và kiểm toán nhà nước các bang cùng nhau thoả thuận đồng kiểm toán hay chuyển đổi nhiệm vụ cho nhau.

Tất cả báo cáo của các cuộc kiểm toán khi trình lên Chính phủ và Nghị viện Liên bang đều phải do Chủ tịch quyết định, kể cả những thông tin, ấn phẩm xuất bản; đồng thời cũng là người đề nghị bổ nhiệm các kiểm toán viên và thành viên lãnh đạo. Theo quy chế đồng sự kiểm toán nhà nước Liên bang đều ra các quyết định tập thể, trong trường hợp bình thường thì Hội đồng 2 thành viên ra quyết định (Vụ trưởng và Trưởng phòng kiểm toán). Trong những trường hợp nhất định thì Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch sẽ tham gia vào hội đồng (Hội đồng 3 thành viên). Những quyết định trong Hội đồng 2 và 3 thành viên chỉ có thể thông qua với sự nhất trí của tất cả các thành viên. Đại hội đồng của kiểm toán nhà nước Liên bang chỉ quyết nghị về những vấn đề vượt ra khỏi khuôn khổ 1 Vụ hoặc đặc biệt quan trọng - ví dụ như những báo cáo tổng hợp (Báo cáo năm). Đại hội đồng mà thành viên của nó là Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên Hội đồng lãnh đạo ra quyết định theo đa số.

Một số nguyên tắc và chuẩn mực chi phối cơ chế hoạt động của kiểm toán nhà nước liên bang:

Thứ nhất là Kiểm toán nhà nước Liên bang tự mình quyết định thời gian, hình thức và phạm vi những cuộc kiểm toán của mình; không cơ quan nào có quyền giao nhiệm vụ kiểm toán cho nó được.

Thứ hai là những quyết định về chính sách trong khuôn khổ pháp luật hiện hành không nằm trong thẩm quyền đánh giá của kiểm toán nhà nước Liên bang .

Thứ ba là Kiểm toán nhà nước Liên bang không có quyền hành pháp, mà nó thuyết phục các đối tượng kiểm toán thực hiện thông qua các bằng chứng kiểm toán rất khách quan cùng với những kiến nghị phù hợp.

Thứ tư là những kết luận của kiểm toán nhà nước Liên bang chỉ được công bố ra công luận một khi xác định là cần thiết và không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia; chỉ chọn lọc một số những trường hợp đặc biệt có ý nghĩa đưa vào Báo cáo năm - những trường hợp phải trình Quốc hội là vì còn có những điểm không thống nhất hoặc nó là vấn đề cơ bản đối với việc giải trừ trách nhiệm cho Chính phủ liên bang.

Thứ năm là những kiến nghị quan trọng của kiểm toán nhà nước Liên bang liên quan đến nhiều đối tượng hoặc có phạm vi ảnh hưởng rộng được đưa ra thảo luận trong Quốc hội liên bang thông qua uỷ ban ngân sách và Tiểu ban kiểm toán của uỷ ban ngân sách.

Về cơ chế hoạt động của cơ quan kiểm toán Liên bang tương đồng với cơ quan kiểm toán nhà nước, nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, chuẩn mực kiểm toán nhà nước và giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán ở Việt Nam cũng có những đặc thù nhất định, nó được thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán là một trong những chuẩn mực cơ bản. Đồng thời, chuẩn mực kiểm toán nhà nước cũng là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên Nhà nước.

Thứ hai, các báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thứ ba, Quốc hội sử dụng báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã họi, các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia.v.v…

Thứ tư, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cơ quan nhà nước khác.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng mô hình tổ chức, và cơ chế hoạt động của cơ quan kiểm toán Liên Bang Đức là rất cần thiết trong quá trình xây dựng và góp ý vào dự thảo Luật kiểm toán sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ hợp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.


[1] Điều 114 khoản 2 đạo luật cơ bản-Hiến pháp.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành