Trách nhiệm hình sự của các cộng đồng, thị trấn, làng xã với hình phạt tiền hoặc hình phạt phá hủy các bước tường bao quanh được quy định trong Dụ năm 1670. Đến Bộ luật hình sự năm 1810 quy định chủ thể của tội phạm là thể nhân, còn pháp nhân là một thực thể pháp lý được thành lập và quản lý bởi con người nên không có ý chí riêng và không có lỗi. Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một trong những quy định mới của Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp năm 1992, bởi các nhà làm luật nước này đã thừa nhận pháp nhân có ý chí tập thể riêng, đồng thời cũng thể hiện sự khác biệt của ý chí pháp nhân và ý chí của từng thành viên trong pháp nhân.
Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp năm 1992 đã quy định phạm vi áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân tại Điều 121-2 không đặt ra đối với mọi pháp nhân cũng như không đặt ra đối với tất cả các tội phạm.
Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chứ không phải tập thể không có tư cách pháp nhân. Một tổ chức không đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền không là chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các tổ chức không đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền nếu vi phạm pháp luật hình sự thì những thể nhân có trách nhiệm của tổ chức đó bị xử lý hình sự. Như vậy, các tổ chức đang trong quá trình thành lập chưa có tư cách pháp nhân nếu vi phạm pháp luật hình sự sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp cũng quy định đối với trường hợp pháp nhân trong quá trình giải thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì tư cách pháp nhân vẫn còn tồn tại trong quá trình đó nếu pháp nhân phạm tội. Tương tự như vậy, Bộ luật hình sự cũng quy định pháp nhân thừa kế không phải chịu trách nhiệm hình sự thay cho pháp nhân phạm tội.
Theo quy định của Bộ luật hình sự Cộng hòa pháp thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự gồm pháp nhân theo luật tư, pháp nhân theo luật công, pháp nhân nước ngoài.
Đối với pháp nhân theo luật tư hoạt động vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Theo quy định trong Luật hình sự Cộng hòa Pháp không phải mọi pháp nhân theo luật công đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Luật hình sự quy định những pháp nhân theo luật công gồm cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và các pháp nhân. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước không phải chịu trách nhiệm hình sự với tư cách pháp nhân mà chỉ những nhân viên nhà nước mới bị xử lý hình sự khi có hành vi phạm tội. Trong một số hình phạt không áp dụng được đối với nhà nước như hình phạt giải thể, hình phạt tiền vì không thể lấy tiền của nhà nước lại nộp cho nhà nước.
Trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với chính quyền địa phương khi các tội phạm xảy ra trong việc thực hiện các dịch vụ công trong phạm vi xã, tỉnh, vùng mà các dịch vụ này có thể chuyển giao cho các chủ thể khác theo thỏa thuận ủy quyền công vụ[1]. Chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trực tiếp thực hiện và phạm tội trong quá trình thực hiện các hoạt động dịch vụ công có thể chuyển giao. Chính quyền sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đã chuyển giao dịch vụ công cho một chủ thể là tư nhân, lúc này tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện các hoạt động dịch vụ khi có hành vi phạm tội.
Đối với những hoạt động dịch vụ công không thể chuyển giao, chính quyền sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu trong quá trình thực hiện có hành vi phạm tội. Nếu phạm tội trong trường hợp này thì người thi hành công vụ sẽ chịu trách nhiệm hình sự như thể nhân.
Ngoài ra, những cơ sở sự nghiệp công, doanh nghiệp bị quốc hữu hóa.v.v.. được xem là các pháp nhân khác theo luật công. Những pháp nhân này phải chịu trách nhiệm hình sự như pháp nhân theo luật công.
Trong Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định các pháp nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế nhằm xử lý những pháp nhân nước ngoài trong quá trình thực hiện phạm tội. Ví dụ một công ty đa quốc gia thực hiện hành vi lừa đảo tại Pháp sẽ bị Tòa án Cộng hòa Pháp xét xử theo quy định của Bộ luật hình sự Pháp. Trong trường hợp nhà nước của một quốc gia khác thực hiện hành vi phạm tội tại pháp sẽ không áp dụng các quy định chịu trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự Pháp mà sẽ được giải quyết theo pháp luật quốc tế.
Theo quy định của Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp thì Pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi các tội đó được quy định rõ trong các điều luật. Ví dụ pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại Điều 221-5-1 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp; Pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bỏ rơi trẻ em theo quy định tại Điều 227-1. Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định pháp nhân phạm các tội xâm phạm về con người, xâm phạm về tài sản, chống dân tộc, nhà nước và hòa bình, các trọng tội, kinh tội và tội vi cảnh khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, những tội được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực môi trường, xây dựng, sức khỏe, tiêu dùng, giải trí, thể thao, lao động .v.v… sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ, cùng là một tội về tiền tệ nhưng trong luật của Cộng hòa Pháp quy định ranh giới rõ như làm tiền giả là tội đại hình nên sẽ được quy định trong Bộ luật hình sự, còn tội phát hành một chi phiếu không có tiền bảo chứng trong ngân hàng thì đó là tội nhỏ và được quy định cụ thể về phạt tiền là bao nhiêu, phạt tù mấy tháng tùy mức độ phạm tội trong Luật Thương mại.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình nghiên cứu các quy định về phạm vi áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp cho thấy, khi xây dựng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần xác định phạm vi áp dụng của nó. Trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung có các quy định cụ thể về phạm vi áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như sau:
Pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm quy định về mua bán người, tội mua bán trẻ em; tội muôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; tội trốn thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; tooik công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá thị trường chứng khoán; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tội vi phạm về quy định cạnh tranh; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tội xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp; nhóm tội gây ô nhiễm môi trường; tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tội về hủy hoại rừng; tội vi phạm về quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người; tội tài trợ khủng bố; tội về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; tội rửa tiền; tội hối lộ, đưa hối lộ; tội không chấp hành án được quy định tại Điều 76 dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015 nhằm xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở mức độ vừa phải, phù hợp và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình áp dụng Bộ luật hình sự vào thực tế cùng với sự nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của một số nước trong đó có Bộ luật hình sự của Cộng hòa Pháp. Đây cũng là một trong những điểm tương đồng giữa các quy định về phạm vi áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung với các quy định về phạm vi áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp vì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là nhà nước, phần lớn các quy định này chỉ áp dụng đối với pháp nhân là tổ chức chinh thế hoạt động vì mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận.
[1] Dịch vụ công có lại loại là dịch vụ có thể chuyển giao và dịch vụ không thể chuyển giao