Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 00:00

Hoàn thiện quy định về cầm cố tài sản

Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, cầm cố tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.  Trong thực tế, việc cầm cố tài sản thường được thực hiện đối với hình thức trong giao dịch tín dụng vay vốn ngân hàng.

Ở Việt Nam, trước Bộ luật dân sự, khái niệm cầm cố được quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 17 ngày 16/01/1990 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và được hiểu là: “ … trao động sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người cùng quan hệ hợp đồng để giữ làm tin và bảo đảm tài sản trong trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết …”.

Hiện nay, Bộ luật dân sự quy định việc cầm cố tài sản là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc sở hữu của mình cho bên có quyền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự; nếu tài sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu, thì các bên có thể thỏa thuận bên cầm cố vẫn giữ tài sản cầm cố hoặc giao cho bên thứ ba giữ. Dựa vào căn cứ trên, trong khoa học Luật dân sự cầm cố được hiểu chung nhất là việc dùng tài sản thuộc sở hữu giao cho bên có quyền để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình chứ không có sự chuyển giao quyền sở hữu.

Cầm cố tài sản được quy định trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi được xác định là việc bên cầm cố chuyển tài sản cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người khác. Đây là điểm mới so với Bộ luật dân sự hiện hành bởi việc xác lập tài sản cầm cố không nhất thiết phải thuộc chủ sở hữu của mình vì trong thực tế tài sản của doanh nghiệp nhà nước, tài sản mua trả chậm, trả dần cũng được đưa ra làm tài sản cầm cố. Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định theo hướng này nhằm phù hợp với các quy định tại Điều 336 Bộ luật dân sự Nga; Điều 747 Bộ luật dân sự Thái Lan, Điều 342 Bộ luật dân sự Nhật Bản đều quy định theo hướng vật cầm cố không nhất thiết phải thuộc sở hữu của bên cầm cố. Bên nhận cầm cố luôn được đảm bảo trong mọi trường hợp, họ có quyền ưu tiên so với các chủ nợ khác, kể cả trong trường hợp tài sản cầm cố không thuộc sở hữu của bên cầm cố.

Việc xác định hình thức cầm cố tài sản được quy định như trong Bộ luật dân sự hiện hành sẽ dẫn đến cách hiểu không được ký hợp đồng cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ của người khác. Trong thực tế có nhiều tranh chấp làm hợp đồng bị một số tòa án quyên vô hiệu. Do đó, trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi quy định cụ thể việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng chính.

Đối với vấn đề hiệu lực của tài sản cầm cố trong Bộ luật dân sự hiện hành quy định kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố, nhưng trên thực tế thời điểm gia vật và thời điểm đăng ký là khác nhau nên quy định như Điều 328, Bộ luật dân sự là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi nên quy định theo hướng quyền cầm cố được xác lập và thời điểm xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Đối với một số loại tài sản đặc thù, do không thể công khai hóa với người thứ ba thông qua chuyển giao tài sảm nên việc đăng ký cầm cố là cơ sở để phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, đó là trường hợp cầm cố bất động sản, cầm cố quyền đòi nợ và các quyền tài sản khác có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký; hoặc cầm cố chứng khoán, thẻ tiết kiệm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm tổ chức phát hành loại giấy tờ đó nhận được thông báo về việc cầm cố.

Việc cho phép cần cố bất động sản, quyền đòi nợ sẽ thúc đầy giao lưu dân sự, phát triển kinh tế và phù hợp với Bộ luật dân sự một số nước trên thế giới. Đây cũng là một trong những yêu cầu về minh bạch hóa thông tin về tài sản bảo đảm.

Trường hợp bên nhận cầm cố tài sản bị mất quyền chiến hữu tài sản thì quyền cầm cố chỉ được khôi phục kh nhận cầm cố chiếm hữu lại tài sản, trường trường hợp bên nhận cầm cố tạm thời không chiếm giữ tài sản.

Trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi không quy định thời hạn cầm cố tài sản bởi các nhà làm luật cho rằng, giống như các loại giao dịch khác, thời hạn cầm cố tài sản đã được giải quyết trên cơ sở nguyên tắc thực hiện nghĩ vụ dân sự một cách trung thực, hợp tác, đúng cam kết, không vi phạm điều cấm của pháp luật và trái với đạo đức xã hội.

Trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động cầm cố tài sản. Trên cơ sở các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi kế thừa các quy định về quyền của bên cầm cố tài sản và sửa đổi theo hướng áp dụng chung cho các loại tài sản được cầm cố, đồng thời cho phép tài sản cầm cố được tham gia các giao dịch dân sự khác. Tương tự như vậy, các quy định về nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản cũng được quy định theo hướng bảo vệ quyền lợi của bên cầm cố, nhưng vẫn cho phép bên nhận cầm cố được thực hiện giao dịch khác để khai thác giá trị từ tài sản cầm cố nếu được bên cầm cố đồng ý. Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật dân sự hiện hành nhằm bảo đảm tính minh bạch, an toàn cho bên cầm cố và bên thứ ba.

Ngoài ra, dự thảo Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể hơn về quyền của bên nhận cầm cố, trong đó có bổ sung theo quy định bên cầm cố “được quyền cầm cố lại, nếu được bên cầm cố đồng ý”. Việc bổ sung thêm quy định này nhằm đảm bảo sự tương ứng với nghĩa vụ của bên cầm cố, đồng thời thúc đầy việc khai thác giá trị kinh tế của tài sản cầm cố.

Trước đây pháp luật Việt Nam đã thừa nhận hai phương thức cầm cố: có chuyển giao tài sản cầm cố và không chuyển giao tài sản cầm cố. Tuy vậy, việc giao tài sản cho bên nhận cầm cố là điểm đặc trưng của cầm cố vì tài sản phải đăng ký quyền sở hữu có số lượng ít hơn tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Còn điều kiện đối với cầm cố mà không có sự chuyển giao tài sản cầm cố pháp luật qui định còn khá ngặt nghèo, trong phạm vi đối với động sản có đăng ký quyền sở hữu và phải được các bên thoả thuận. Tuy nhiên, trong Bộ luật dân sự hiện hành lại không quy định cụ thể trường hợp bên nhận cầm cố tạm thời không chiếm giữ tài sản đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi đối với tài sản cầm cố trong trường hợp này. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định cụ thể trong thời hạn 20 ngày kết từ ngày bên nhận cầm cố không chiếm giữ tài sản cầm cố thì bên nhận cầm cố phải thực hiện việc đăng ký để được giữ thứ tự ưu tiên thanh toán kể từ thời điểm xác lập hiệu lực đối kháng do chiếm giữ tài sản nhằm đảm bảo cho bên nhận cầm cố giao lại tài sản cho bên cầm cố. Bên nhận cầm cố có trách nhiệm đăng lý để bảo vệ quyền của mình khi không chiếm giữ tài sản trong thời hạn nhất định để xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba.

Như vậy, về cơ bản các quy định về cầm cố tài sản trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi quy định cụ thể về các biện pháp cầm cố tài sản theo hướng xác định rõ bản chất của biện pháp cầm cố tài sản là có yếu tố chuyển giao tài sản bảo đảm; Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; Quyền cầm cố được thực hiện đối với động sản và bất động sản (bao gồm cả cầm cố quyền đòi nợ và cầm cố vận đơn, giấy tờ có giá). Riêng đối với quyền của bên nhận cầm cố, dự thảo Bộ luật quy định được quyền cầm cố lại, nếu được bên cầm cố đồng ý. Quy định này nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thương mại phát triển, đồng thời phù hợp với quan hệ tự do thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên trong giao dịch dân sự.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành