Thứ tư, 20 Tháng 4 2016 00:00

Kỹ năng phân tích chính sách trong chu trình hoạch định chính sách của đại biểu dân cử

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Phân tích chính sách là công việc thường xuyên của các nhà quản lý, bởi vì nhà quản lý phải luôn cập nhật tình hình thực hiện chính sách, để biết được những biến động xã hội liên quan các tác động của chính sách, để biết được thái độ của người dân trước một chính sách và cuối cùng là để biết được khi nào cần điều chỉnh chính sách, thậm chí phải thay đổi hoàn thoàn một chính sách.

Với vai trò là người đại diện cho nhân dân, đại biểu dân cử có một sứ mệnh quan trọng trong việc đưa ra những quyết nghị, những chính sách bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng. Để đạt được thực hiện tốt nhiệm vụ trên, người ĐBDC phải có những kĩ năng, kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn và đưa ra những quyết định lựa chọn chính sách một mặt phù hợp với sự phát triển của cộng đồng mặt khác đáp ứng được lợi ích của đa số cư dân trong cộng đồng.

Đại biểu dân cử với vai trò người hoạch định chính sách tham gia hoặc tự mình nghiên cứu lên ý tưởng các mục tiêu, và quyết định chính sách, chiến lược giải quyết các nhu cầu đang tồn tại, định hướng cho các hoạt động sắp tới trong tương lai nhằm ổn định và tạo lợi ích tối đa cho cộng đồng địa phương.

Để hoạch định chính sách một cách có hiệu quả, người đại biểu dân cử cần sử dụng các phương pháp như phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp. Trên cơ sở các phương pháp này, người đại biểu dân cử có thể đánh giá tốt thực trạng vấn đề, nắm rõ thực tế yêu cầu, nhu cầu tất yếu của cộng đồng, những tồn tại, hạn chế tại địa phương; so sánh với các vấn đề khác liên quan trong khu vực hoặc tại địa phương khác; tổng hợp đánh giá tình hình để có thể đưa ra những chính sách hợp lý, khách quan đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, bền vững của địa phương, đáp ứng lợi ích của cộng đồng, dân cư.

ĐBDC với vai trò chủ đạo trong việc hoạch định chính sách, là trung tâm của hoạt động này. Xuất phát từ thực tiễn hàng ngày hoặc kinh nghiệm hoạt động của bản thân, người ĐBDC có thể đề xuất hoặc tham gia đề xuất các ý tưởng, thảo luận các chính sách công. Với vai trò đại diện của cử tri, ĐBDC còn có nhiệm vụ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ những ý kiến này, ĐBDC có thể đưa ra những quyết nghị quan trọng, hoặc tham gia việc thảo luận, kiến nghị và quyết định các chính sách công.

Bên cạnh đó, để có được thông tin đa chiều, đa lĩnh vực, đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực cũng là cầu nối cho ĐBDC, tham vấn cho việc hình thành ý tưởng, quyết nghị chính sách công của ĐBDC. Ngoài ra, vai trò của các cán bộ, cơ quan nghiên cứu cũng rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách công của ĐBDC, các cơ quan này cung cấp thông tin, số liệu thống kê, phân tích các vấn đề  cụ thể đáp ứng nhu cầu của ĐBDC trong việc tham gia thảo luận và hình thành chính sách. Việc quyết định chính sách ảnh hưởng lớn tới lợi ích của cộng đồng dân cư, do đó, việc tham vấn lấy ý kiến của cộng đồng dân cư là rất quan trọng, hình thức lấy ý kiến có thể là tổ chức hội thảo hoặc sử dụng phiếu điều tra lấy ý kiến.

Mục tiêu của việc hoạch định chính sách là đưa ra được những chính sách thiết thực, có lợi cho cộng đồng với những chiến lược phát triển tối ưu và những phương án cụ thể sao cho việc thực hiện chính sách được hoạch định một cách có hiệu quả nhất.

Để thực hiện được tốt chính sách đã được hoạch định, người ĐBDC phải có những chiến lược cụ thể, khả thi sao cho việc thực thi chính sách đạt được hiệu quả cao. Chiến lược được hiểu như là các phương tiện để thực hiện được chính sách đề ra. Bên cạnh đó, cần có nhiều phương án dự phòng để thực hiện tốt những chính sách này.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chính sách công, với vai trò của mình người ĐBDC cần tham gia giám sát vào quá trình thực hiện chính sách đó, giám sát chủ thể được giao quyền thực hiện, giám sát quy trình thực hiện và giám sát kết quả thực hiện. Việc giám sát này phải được thực hiện một cách chặt chẽ, khách quan và thường xuyên. Việc giám sát này phải được lên kế hoạch đồng thời với việc hoạch định chính sách cụ thể cho cộng đồng.

Như vậy, khi đứng trước một chính sách nào đó, các đại biểu cần phải nắm được một số các thông tin cơ bản phục vụ yêu cầu hoạch định chính sách. Để công tác hoạch định chính sách đạt tới độ chính xác cao, sát với thực tiễn phát triển của xã hội cần có một số kỹ năng phân tích chính sách phục vụ cho việc hoạch định chính sách với vai trò là người đại diện cho ý chí và quyền lợi cua nhân dân:

1. Căn cứ để phân tích chính sách:

Yêu cầu thực tiễn khách quan đòi hỏi cần có một chính sách mới (trong lĩnh vực kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường.v.v....) cũng như ý chí của Nhà nước khi đề ra một chính sách mới vừa phục vụ cho xã hội vừa phục vụ cho hoạt động quản lý của nhà nước đối với một lĩnh vực cụ thể nào đó. Cho nên các đại biểu cần phải nghiên cứu xem các chính sách đưa ra đảm bảo tính khách quan khoa học hay không? Để làm rõ được điều này các đại biểu cần căn cứ vào những tiêu chí sau:

- Các quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước khi đưa ra một chính sách cho một lĩnh vực nào đó.

- Những nội dung cốt lõi mới của chính sách mới sẽ hoặc đã được đưa ra và các mục tiêu cụ thể sẽ, phải đạt được khi ban hành chính sách đó.

- Các biện pháp khả thi cần phải thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.

- Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.

2. Phương pháp phân tích chính sách sẽ hoặc đã ban hành.

- Phân tích sự tác động của chính sách ở tầm vĩ mô đối với tăng trưởng bền vững kinh tế, phát triển an sinh xã hội, đôi với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (kể cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn hoặc ngay trước mắt).

- Phân tích các ảnh hưởng tách động của chính sách đối với 2 mặt tích cực và phản tích cực đối với từng vấn đề cụ thể:

+ Ổn định xã hội đối với từng đối tượng trực tiếp bị tách động hoặc được hưởng thụ của chính sách đem lại bao gồm các tầng lớp dân cư khác nhau, dân cư ở các vùng địa lý khác nhau, các mức dân cư có mức thu nhập khác nhau, tác động tới phân hóa giàu nghèo ra sao?

+ Tăng trưởng kinh tế: làm tăng hay giảm GDP, sự tăng giảm đó có ổn định tương đối không? Có đáp ứng được mục tiêu để ra? (VD kích thích tăng trưởng mạnh hay kìm hãm để giảm lạm phát? ảnh hưởng tới doanh nghiệp ra sao?

+ Dự báo tới việc tăng hay giản hoặc giữ không gây tác động xấu hơn tới môi trường hiện tại, có tác động tốt hay không tốt tới ứng phó biến đổi khí hậu.

+ Dự báo tính đồng thuận của xã hội (các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp.v.v...) đối với chính sách đề ra hoặc sắp đề ra ra sao?

Thông qua phản ánh dư luận xã hội, báo chí hoặc các phản biện xã hội của cá tổ chức, đoàn thể, nghề nghiệp cũng như qua hoạt động khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân, các doanh nghiệp (kể cả ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước)

+ Đánh giá tính khả thi thực hiện chính sách trong đó cần hết sức chú ý tới khả năng thực hiện chính sách của các cơ quan nhà nước về biện pháp tổ chức thực hiện, nhân lực và đặc biệt về ngân sách cho triển khai thực hiện chính sách ra sao? Có lớn không? Có ảnh hưởng xấu tới nợ của Chính phủ không? Quản lý ngân sách thế nào và ai chịu trách nhiệm?

+ Xem xét tính hợp hiến, hợp pháp ra sao? Có mâu thuẫn, xung đột phát luật không? Có cần phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh pháp luật hiện hành? Nếu có thì cụ thể ở nội dung nào, luật nào?

3. Đánh giá tổng quát chung về chính sách đã hoặc sẽ đưa ra qua sự phân tích ở mục 2. Qua đó so sánh với quan điểm chỉ đạo khi xây dựng, ban hành chính sách, mục tiêu đề ra của chính sách và yêu cầu đòi hỏi khách quan của thực tiễn ra sao. Từ đó sẽ đưa ra kết luận cho việc lựa chọn chính sách, sửa đổi, bổ sung chính sách hoặc thay đổi chính sách ( thậm chí dừng hoặc hủy bỏ) để kiến nghị với cơ quan có thảm quyền (Chính phủ, TTg, UBTHVQH, QH).

    Có thể nói rằng, để thực hiện tốt vai trò người ĐBDC thì việc hoạch định chính sách tốt, có lợi cho cộng đồng, nhân dân đóng là một việc rất quan trọng. Hoạch định chính sách tốt, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư là một bước quan trọng để thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng, địa phương và của nhà nước.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành