1. Các nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục
Tập trung kinh tế là một xu hướng phát triển tất yếu trong kinh tế thị trường. Các nhà tư bản không thể tự mình đáp ứng được sự cạnh tranh gay gắt, nhau cầu áp dụng công nghệ mới, nhu cầu về vốn và sức mạnh tài chính nên vụ việc tập trung kinh tế được đặt ra là một tất yếu theo diễn biến của thương trường. Mục tiêu cụ thể của các hình thức khác nhau của tập trung kinh tế là tạo ra những doanh nghiệp lớn trên cơ sở tập trung sức mạnh của nhiều doanh nghiệp sẵn có trên thương trường. Số lượng của các đối thủ cạnh tranh sẽ giảm đi và vì thế, mức độ “hoàn hảo” trong cạnh tranh cũng bị giảm sút.
Trong một số trường hợp, để đảm bảo đạt được các lợi ích kinh tế, vụ việc tập trung kinh tế cần phải được thực hiện trong một khuôn khổ nhất định. Các biện pháp khắc phục được đưa ra nhằm mục đích khôi phục hay duy trì sự cạnh tranh trên thị trường, mà vẫn đảm bảo đạt được hiệu quả và lợi ích của vụ việc tập trung kinh tế. Để đạt được mục đích này, cần phải lựa chọn các biện pháp khắc phục thông qua việc so sánh giữa hiệu quả hạn chế tác động phản cạnh tranh của vụ việc với gánh nặng thực hiện các biện pháp đó và chi phí phát sinh. Theo khuyến nghị của mạng lưới cạnh tranh quốc tế (ICN) việc thực hiện quy định và quy trình thực hiện biện pháp khắc phục cần đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giám sát thực hiện biện pháp hậu quả đó.
Các phép thử cạnh tranh sẽ được thực hiện đánh giá khác nhau tùy theo sự lựa chọn của mỗi cơ quan cạnh tranh nhằm đảm bảo thẩm quyền được trao trong việc quyết định các yếu tố lợi ích liên quan tới tập trung kinh tế. Vụ việc tập trung kinh tế sẽ bị cấm trong trường hợp vụ việc tập trung kinh tế có khả năng gây hại cho cạnh tranh mà không thể tìm ra một biện pháp khắc phục phù hợp. Trong trường hợp có thể tìm được các biện pháp khắc phục phù hợp, thì các bên tham gia tập trung kinh tế sẽ có nhiều động lực để đề xuất các biện pháp phù hợp, vì trách nhiệm đề xuất biện pháp khắc phục thường do các bên tham gia tập trung kinh tế thực hiện. Những vấn đề mà cơ quan cạnh tranh cần giải quyết trước khi thông qua một vụ việc tập trung kinh tế bằng cách đưa ra các phương án xử lý hiệu quả, kịp thời nhằm thông báo cho các bên liên quan trong thời gian sớm nhất về bản chất và phạm vi của các vấn đề cạnh tranh.
Xét về nguyên tắc tỷ lệ các cơ quan cạnh tranh thường tìm cách áp dụng những giải pháp khắp phục ít ảnh hưởng nhất đối với doanh nghiệp mà vẫn có hiệu quả trog việc loại trừ tác động phản cạnh tranh của vụ việc tập trung kinh tế. Các cơ quan cạnh tranh có thể áp dụng các nguyên tắc tỷ lệ để giải quyết một vụ việc tập trung kinh tế có thể được thông qua mà không phải thực hiện các biện pháp khắc phục nếu việc thực thi các biện pháp đó là gánh nặng lớn so với tác động phản cạnh trang của vụ việc đối với trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia tập trung kinh tế chỉ chiến một phần nhỏ trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc tỷ lệ là không hợp lý bởi một khi vụ việc tập trung kinh tế gây ra tác động phản cạnh tranh trên thị trường liên quan thì cần phải có giải pháp để hạn chế các tác động phản cạnh tranh.
Xét về tính hiệu quả của các biện pháp khắc phục cần phải nghiên cứu xem các biện pháp khắc phục có giải quyết được tất cả các tổn hại cạnh tranh do vụ việc tập trung kinh tế gây ra hay không? Mức độ rủi ro được chấp nhận ở mức độ nào? Khi các cơ quan cạnh tranh đưa ra biện pháp khắc phục phải dự đoán được các biện pháp đó sẽ mạng lại kết quả như thế nào về hiệu quả có thể đạt được cũng như dự đoán được mức độ rủi ro đối với vụ việc tập trung kinh tế. Điều này rất quan trọng khi cơ quan cạnh tranh bị hạn chế không được phép thay đổi biện pháp khắc phục cho dù biện pháp đó không hiệu quả như mong đợi.
Việc áp dụng và các bước thực hiện biện áp khắc phục được các cơ quan cạnh tranh thể hiện rõ thông qua việc đánh giá tính thực tiễn của các biện pháp phù hợp với khả năng thực hiện của doanh nghiệp, có thể giám sát được và có khả năng thực thi trong phạm vi thẩm quyền của các cơ quan cạnh tranh. Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục cần xử lý được toàn bộ các tác động phản cạnh tranh trong một khoảng thời gian dự kiến nhất định. Các cơ quan cạnh tranh luôn ưu tiên sử dụng các biện pháp có tác động ngay trong thời gian ngắn hạn.
Trong quá trình đánh giá các biện pháp khắc phục các cơ quan cạnh tranh cũng cần tính đến các gánh nặng hoặc chi phí tiềm ẩn khi thực hiện các biện pháp đó. Các chi phí phát sinh thường căn cứ vào chi phí do tác động của biện pháp khắc phục, chi phó thực hiện biện pháp khắc phục cũng như hiệu quả kinh tế và các lợi ích khác của một vụ việc kinh tế.
Các biện pháp khắc phục có thể dẫn đến sự phản tích cực hay thiếu hiệu quả trong đầu ra của thị trường. Các biện pháp khắc phục về hành vi được sử dụng để can thiệp trực tiếp vào đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là trong dài hạn như việc không cho phép doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá có thể ngăn cản sự gia nhập thị trường do mối lo ngại vể khả năng thu hồi vốn hoặc đảm bảo khả năng sinh lợi, bởi những hạn chế không liên quan đến giá cũng có thể có tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư.
Đối với chi phí thực hiện biện pháp khắc phục các cơ quan cạnh tranh cũng cần tính đến ngoài chi phí trực tiếp của việc thực hiện các biện pháp khắc phục, cần tính đến chi phí để giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục (thuê giám sát, thu thập thông tin phục vụ mục đích giám sát…).
Cơ quan cạnh tranh cần dự tính hiệu quả kinh tế và các lợi ích khác của các vụ việc tập trung kinh tế trên cơ sở phân tích đánh giá những ưu điểm của biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo đạt được hiệu quả kinh tế hoặc các lợi ích nhất định từ vụ việc tập trung kinh tế mà không thể đạt được nếu vụ việc đó bị cấm thực hiện. Hiệu quả kinh tế và các lợi ích luôn xuất phát trực tiếp từ vụ việc tập trung kinh tế đang được xem xét bởi nếu không cho phép thực hiện vụ việc tập trung đó thì sẽ không đạt được những kết quả đặt ra. Vụ tập trung kinh tế sẽ đạt được lợi ích khi chúng có khả năng mang lại lợi ích chính đáng cho khách hàng. Bên tham gia vụ việc tập trung kinh tế phải chứng minh các lợi ích này và cơ quan cạnh tranh chỉ điều chỉnh các lựa chọn do các bên tham gia vụ việc tập trung kinh tế đề xuất hoặc đề ra các biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích cho vụ việc đem lại. Vấn đề đặt ra là cơ quan cạnh tranh làm thế nào để đảm bảo các biện pháp do doanh nghiệp đề xuất là có hiệu quả trong việc xử lý các tác động phản cạnh tranh của vụ việc.
Để đảm bảo tính công bằng cũng như tính hợp pháp trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục cần quan tâm đến sự minh bạch và nhất quán trong quá trình lựa chọn và xây dựng. Bên cạnh đó, các quy tắc này cũng rất quan trọng trong việc tối ưu hóa tính hiệu quả của các biện pháp khắc phục.
Mạng lưới cạnh tranh quốc tế (ICN) đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả theo cơ chế rà soát tập trung kinh tế cần đảm bảo tính mnh bạch trong quá trình đề xuất, thảo luận và thông qua các biện pháp khắc phục. Những quy tắc và vấn đề quan trọng của biện pháp khắc phục cho từng vụ việc tập trung kinh tế phải dễ hiểu đối với các bên tham gia vụ việc tập trung, các đối thủ cạnh tranh và khách hàng của họ. Tuy nhiên, công tác bảo mật thông tin cần phải được thực hiện nghiêm ngặt trong quá trình áp dụng các biện pháp khắc phục vì minh bạch không đồng nghĩa với việc tiết lộ các thông tin mật.
Quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo một cơ sở tin cậy cho việc cân nhắc và ra quyết định của doanh nghiệp, đảm bảo tính nhất quán trong quá trình thực hiện. Vai trò của tính nhất quán rất quan trọng bởi để tránh sự bất đồng và khác biệt trong các biện pháp khắc phục hậu quả của các doanh nghiệp liên quan các cơ quan cạnh tranh phối hợp phải thực hiện đối với những vụ việc có tính chất đa quốc gia.
2. Các biện pháp khắc phục
Các cơ quan cạnh tranh áp dụng các biện pháp khắc phục trong tập trung kinh tế nhằm bảo vệ và quy trì cạnh tranh khi vẫn cho phép thực hiện tập trung kinh tế một cách có hiệu và đem lại lợi ích cho các bên tham gia mà không vi phạm quyền lợi của khách hàng cũng như những tác động xấu đến nền kinh tế. Các biện pháp khắc phục được phân loại về mặt cấu trúc[1] và hành vi[2].
Các biện pháp khắc phục về mặt cấu trúc thường áp dụng những hình thức như bán lại tài sản và hình thức sở hữu trí tuệ nên để điều chỉnh hay kiểm soát hành vi của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế, các cơ quan cạnh tranh đề cao vai trò của các giải pháp mang tính cấu trúc hơn so với các giải pháp về hành vi, đặc biệt đối với các vụ việc tập trung kinh tế theo chiều ngang. Các giải pháp mang tính cấu trúc thường hiệu quả hơn vì giải quyết được nguyên nhân gây ra tác động phản cạnh tranh, trong khi không làm phát sinh chi phí giám sát thực hiện cũng như hạn chế sự phản cạnh tranh trên thị trường.
Các cơ quan cạnh tranh chọn biện pháp khắc phục về mặt hành vi khi không có giải pháp khả thi về mặt cấu trúc hoặc đối với các vụ việc xuyên quốc gia bởi các biện pháp khắc phục về rất đa dạng đòi hỏi công tác giám sát và thực hiện rất phức tạp. Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục theo hành vi còn có thêm các hạn chế khác như chi phí lớn, hiệu quả không như mong muốn và đặc biệt là nguy cơ bóp méo thị trường.
Các cơ quan cạnh tranh khi áp dụng các giải pháp khắc phục hành vi phải cân nhắc tới khoảng thời gian áp dụng hợp lý hợp lý, sau khoảng thời gian đó các bên tham gia tập trung kinh tế không phải thực hiện các biện pháp giới hạn nữa. Ngoài ra, cơ quan cạnh tranh phải xem xét việc tiếp tục áp dụng, loại bỏ hoặc sửa đổi gói biện pháp khắc phục sau một khoảng thời gian nhất định trong một số người hợp cần thiết. Tuy nhiên, các giải pháp về mặt hành vi không thể được áp dụng vô thời hạn bởi vì theo thời gian, khi điều kiện thị trường thay đổi, các biện pháp áp dụng sẽ trở nên không phù hợp và thậm chí còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
[1] Các biện pháp khắc phục về mặt cấu trúc là các biện pháp được thực hiện một lần nhằm phục hồi cấu trúc cạnh tranh của thị trường.
[2] Các biện pháp khắc phục về mặt hành vi thường là các biện pháp được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.