In trang này
Chủ nhật, 22 Tháng 5 2016 00:00

Kiến nghị về 1 số quy định của pháp luật cạnh tranh đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhà nước cần vận hành nền kinh tế thị trường và thực hiện chính sách mở cửa, các chủ thể kinh doanh tham gia vào thị trường có quyền bình đẳng nhằm thúc đẩy cạnh tranh tạo đà nền kinh tế phát triển với tiềm lực kinh tế bền vững.

Trong xu thế cạnh tranh của nền kinh thị trường mở các hành vi cạnh tranh mang yếu tố quyết định thúc đẩy nền kinh tế phát triển vững chắc, tuy nhiên có những hành vi cạnh tranh lại gây bất ổn định, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Theo tinh thần của Luật cạnh tranh hướng đến sự bình đẳng, lành mạnh của các chủ thể kinh doanh cũng như đảm bảo lợi ích của chính các chủ thể kinh doanh và bảo vệ lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội trong khuôn khổ của hệ thống pháp luật cạnh tranh. Chính vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hành vi cạnh tranh nhằm nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của pháp luật cạnh tranh sẵn sàng cho việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương nói riêng. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề còn bất cập đối với hành vi cạnh tranh được điều chỉnh theo quy định của Luật cạnh tranh hiện hành.

- Về quyền miễn đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm

Quyền miễn trừ có thể được xem xét khi một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang có nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản nhằm mục đích giảm thiểu việc xoá sổ và gánh nặng mà các chủ thể kinh doanh có nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản mang lại cho nền kinh tế. Bên cạnhnđó còn giúp loại trừ hành vi tập trung kinh tế bị cấm, đồng thời giúp duy trì ổn định môi trường kinh doanh.

Đối cới doanh nghiệp đang trong nguy cơ bị giải thể là doanh nghiệp thuộc trường hợp giải thể theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật cũng quy định trường hợp doanh nghiệp bị giải thể theo quy định của điều lệ cũng thuộc trường hợp miễn trừ khi tập trung kinh tế. Quy định như vậy là không hợp lý bởi, việc giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật được xem là trường hợp giải thể do yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý chí của chủ doanh nghiệp thì việc mong muốn tiếp tục kế thừa để tiếp tục phát huy những thành tựu kinh doanh khi tập trung kinh tế xứng đáng được hưởng quyền miễn trừ, nhưng pháp luật quy định miễn trừ khi tập trung kinh tế đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể theo điều lệ dễ bị các doanh nghiệp lạm dụng làm mất đi ý nghĩa thật sự của quyền miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm vì việc giải thể theo Điều lệ doanh nghiệp là việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp mà không chịu sự tác động của bất kỳ yếu tố khách quan nào. Từ đó, doanh nghiệp muốn được hưởng quyền miễn trừ trong trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, có thể dựa vào những quy định vừa nêu trên để thực hiện hành vi tập trung kinh tế theo toan tính và lợi ích của mình, thậm chí làm nguy hại môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội. Chính vì vậy, cần điều chỉnh lại quy định doanh nghiệp bị giải thể theo Điều lệ được hưởng quyền miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm.

Về vấn đề xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh

Luật cạnh tranh quy định hình thức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh được xác định theo tỷ lệ phần trăm doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào hoặc theo tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Việc xác định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh như quy định trong Nghị định 71 là không đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cạnh tranh.

Mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh không được vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Tuy nhiên, khi xác định mức tiền phạt áp dụng đối với từng hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh cần phải tính đến tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm tự nguyện khai báo; đã tự nguyện cung cấp chứng cứ, thông tin hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.v.v… thì mức phạt tiền sẽ được điều chỉnh giảm 15% như theo quy định tại Nghị định số 71. Ngược lại, nếu chủ thể thực hiện hanh vi vi phạm tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm mặc dù có yêu cầu chấm dứt hành vi đó, hoặc sau khi thực hiện hành vi vi phạm chủ thể đã né tránh, che dấu vi phạm thì mức phạt sẽ được điều chỉnh tăng 15%. Trên thực tế, có trường hợp không thể áp dụng tình tiết tăng nặng cho hành vi vi phạm bởi có những hành vi ngay từ đầu đã đạt ngưỡng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi đó. Vì vậy, việc điều chỉnh mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh không được vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với hành vi đó được quy định tại Nghị định số 71 là rất cần thiết. và đề nghị được sửa lại như sau: “Trong mọi trường hợp, mức tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh không được vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với hành vi đó được quy định tại Mục 1, Mục 2 và Mục 3 Chương II của Nghị định này, trừ những trường hợp được quy định tại Khoản 5 Điều này”.

Xét về tính hợp lý của quy định về các hình thức xử phạt bổ sung

Các quy định về những biện pháp xử phạt bổ sung trong xử phạt vi phạm pháp luật cạnh tranh thì hình thức xử phạt “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”là bất hợp lý, bởi quy định tịch thu khoản lợi nhuận không chính đáng là hợp lý, tuy nhiên nó không phản ánh đúng tinh thần của biện pháp xử phạt bổ sung tại khoản 2 Điều 117 Luật cạnh tranh do lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm không phải là tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

- Mặt khác, bản chất của việc xử phạt là hành vi của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng các hậu quả pháp lý bất lợi cho chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, chủ thể vi phạm sẽ phải gánh chịu những tổn thất nhất định do hành vi vi phạm mà mình thực hiện.

Theo quy định của pháp luật cạnh tranh thì các hình thức xử phạt bổ sung  gồm: thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Xét về bản chất của việc xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh thì các hình thức quy định nêu trên là phù hợp. Riêng quy định về việc tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm không phản ánh đúng với bản chất của hình thức xử phạt bổ sung vì bản thân khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm không phải là khoản lợi nhuận đáng lẽ chủ thể vi phạm có quyền được hưởng bởi khoản lợi nhuận đó được hình thành trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm nên việc tịch thu khoản lợi nhuận này không phải là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể thực hiện hành vi vi phạm phải gánh chịu. Chính vì thế cần nghiên cứu tách hình thức xử phạt bổ sung tịch thu khoản lợi nhuận do thực hiện hành vi vi phạm về pháp luật cạnh tranh thành một biện pháp kèm theo khi áp dụng các hình thức xử lý vi phạm pháp luật trong trường hợp có lợi nhuận phát sinh từ hành vi vi phạm.

-  Về hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác

Pháp luật cạnh tranh quy định cụ thể về các hành vi vi phạm pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể như vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu; vi phạm các quy định khác liên quan đến quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế trước khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của cơ quan có thẩm quyền là những hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh[1]. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh vẫn còn một số vướng mắc nhất định đối với việc không giao nộp chứng cứ theo Khoản 1, Điều 77, Nghị định 116/2005/NĐ-CP là chưa hợp lý bởi khi điều tra một vụ việc cạnh tranh và đưa ra quyết định xử lý dựa vào hồ sơ khiếu nại đã được cơ quan quản lý cạnh tranh thụ lý hoặc cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ khiếu nại thì trách nhiệm giao nộp chứng cứ là trách nhiệm của các bên liên quan đối với vụ việc cạnh tranh được giải quyết theo quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh. Việc giao nộp chứng cứ cho cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh là nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc cạnh tranh, tuy nhiên pháp luật về xử lý vụ việc cạnh tranh lại không quy định về hình thức xử lý nếu các bên liên quan không thực hiện nghĩa vụ giao nộp chứng cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 77, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP. Cho nên cần phải quy định đối với hành vi không giao nộp chứng cứ vi phạm pháp luật cạnh tranh vào điều chỉnh trong phần những hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh để có những chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo việc giải quyết vụ việc cạnh tranh có căn cứ pháp lý và hiệu quả hơn.


[1] Quy định Điều 37, Điều 38 và Điều 39 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.