So với các quan hệ lợi ích trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có các đặc điểm sau:
Xét theo về đối tượng phát sinh lợi ích trong quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là các tài sản trí tuệ, đây là điểm khác với quan hệ lợi ích trong các lĩnh vực tài sản thông thường khác, đối tượng phát sinh lợi ích trong quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là bản thân tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc biệt. Việc có được tài sản trí tuệ đòi hỏi một dạng lao động đặc biệt - lao động trí tuệ. Laọ động đặc biệt này lại đòi hỏi những quá trình đào tạo và phát triển đặc biệt.
Xét về phạm vi ảnh hưởng của quan hệ liên quan tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội và cả phạm vi hoạt động quốc tế của các chủ thể thì việc ứng dụng các tài sản trí tuệ là tiền đề để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong tất cả các mặt. Muốn có tài sản trí tuệ, sức sáng tạo của con người phải được giải phóng. Sự giải phóng đó chỉ có thể thực hiện khi lợi ích của các chủ thể liên quan tới quá trình sáng tạo, sở hữu, sử dụng tài sản trí tuệ được đánh giá thoả đáng. Với ý nghĩa đó, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có tác động ảnh hưởng tới toàn bộ hoat động của đời sống kinh tế - xã hội và khả năng thoả mãn nhu cầu vật chất của con người. Khi động lực cho sự sáng tạo bị kìm hãm do lợi ích của chủ thể sáng tạo và sở hữu tài sản trí tuệ không được bảo hộ thỏa đáng, xã hội phải hy sinh cơ hội để có được khả năng thoả mãn tốt hơn. Quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa các chủ thể sở hữu và sử dụng tài sản trí tuệ không chỉ tác động đến đời sống vật chất của con người, mà còn tác động tới cả đời sống và nhu cầu thụ hưởng những giá trị tinh thần của mọi thành viên trong xã hội. Ví dụ, văn học - nghệ thuật và các lĩnh vực liên quan đến nó chỉ có thể phát triển khi giá trị của những người sáng tạo được tôn trọng, lợi ích của họ được xã hội ghi nhận thoả đáng. Đến lượt nó, sự sáng tạo lại tạo tiền đề để xã hội có cơ hội thụ hưởng lợi ích cao hơn.
Xét về hệ quả của quan hệ lợi ích trong sở hữu trí tuệ có thể thấy, do phạm vi tác động và ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của quan hệ lợi ích, cùng với tính chất đặc biệt của việc ứng dụng tài sản trí tuệ mà khả năng nảy sinh các xung đột lợi ích là rất cao, khó kiểm soát. Với các quan hệ lợi ích gắn với các tài sản thông thường, bất kỳ chủ thể nào khác có hành vi xâm hại tới lợi ích của chủ thể sở hữu bằng việc sử dụng không hợp pháp nó, ngay lập tức, chủ thể sở hữu có thể nhận thấy được. Nhưng đối với tài sản trí tuệ, để nhận biết được sự xâm hại về lợi ích đòi hỏi một quá trình minh chứng về kỹ thuật và pháp lý không đơn giản, đặc biệt, trong điều kiện cách thức làm ra những sản phẩm như hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng ngày càng tinh vi, việc kiểm soát và làm rõ dược trách nhiệm phải đền bù lợi ích từ phía chủ thể sử dụng tài sản trí tuệ ngày càng khó khăn hơn. Hơn nữa, phạm vi tác động của tài sản trí tuệ không chỉ bó hẹp trong nội bộ quốc gia, nó có thể di chuyển trong phạm vi thế giới. Cho nên để kiểm soát được lợi ích của các chủ thể là công việc không dễ thực hiện.
Hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chủ sở hữu khi tự thực hiện lợi ích gặp khó khăn. Bởi việc kiểm soát nghĩa vụ về lợi ích đối với chủ thể sử dụng tài sản trí tuệ rất khó, nên việc tự thân các chủ thể sở hữu và sáng tạo thực hiện lợi ích của mình là không dễ. Ví dụ, một nhạc sỹ khó kiểm soát được tác phẩm của mình hiện có bao nhiêu tổ chức, cá nhân sử dụng. Việc này phải nhờ đến các cơ quan thực thi sở hữu trí tuệ và bộ máy của chúng. Thậm chí, ngay cả có sự hiện diện vai trò quan trọng của cơ quan thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, thì cũng khó có thể thực hiện triệt để được lợi ích của các chủ thể sáng tạo và sở hữu.
Cơ chế bảo hộ lợi ích cho các chủ thể trong quan hệ có tính đặc biệt, vì bản chất của việc bảo hộ lợi ích cho chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ đòi hỏi sự phối hợp đặc biệt giữa nhiều cơ quan. Khó có loại hình quan hệ lợi ích nào mà để bảo đảm sự hài hoà về lợi ích lại liên quan đến số lượng lớn các cơ quan thực thi như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Không những vậy, sự phối hợp của các cơ quan phải mang tính quốc tế theo sự liên kết đặc biệt về chức năng.
Để thực hiện lợi ích, chủ thể sở hữu của nhiều loại tài sản trí tuệ phải chấp nhận nguyên tắc đánh đổi thông tin - lợi ích, sự bảo hộ là có thời hạn. Pháp luật bảo hộ những tài sản trí tuệ đã thực hiện đăng ký bảo hộ (trừ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng). Vì vậy, chủ thể sở hữu phải thực hiện công khai hoá, mô tả thông tin chính xác về tài sản trí tuệ đó để xã hội có thể biết về chúng. So với sự bảo hộ lợi ích của các tài sản khác, chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ được bảo hộ lợi ích khi phải thoả mãn những điều kiện nhất định và sự bảo hộ này được xác định là có thời hạn căn cứ vào những đối tượng tài sản trí tuệ khác nhau. Chủ sở hữu sẽ được quyền khai thác lợi ích của mình trong thời gian xác định của việc bảo hộ, phụ thuộc vào từng đối tượng tài sản trí tuệ và điều kiện cụ thể trong quá trình hình thành tài sản trí tuệ đó. Ví dụ, với bí mật thương mại, quyền sở hữu trí tuệ được hình thành và bảo hộ kể từ giai đoạn nghiên cứu nội bộ; với bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ cho chủ sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật kể từ thời điểm chúng được công bố lần đầu tiên; với sáng chất quyền sở hữu trí tuệ được chấp nhận khi nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; với nhãn hiệu hàng hoá, chủ sở hữu được bảo hộ theo sử dụng nhãn hiệu đó. Nhìn chung, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có những đặc trưng riêng so với các quan hệ lợi ích trong các lĩnh vực khác và đó là căn cứ cho việc hình thành cơ chế bảo hộ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ những phân tích ở trên có thể thấy quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần được xem xét ở các góc độ cụ thể như sau:
Thứ nhất, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mang bản chất kinh tế và thuộc mặt quan hệ sản xuất.
Mục tiêu giữa các chủ thể và động lực của việc hình thành quan hệ là lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế. Quan hệ này được hình thành giữa con người với nhau trong quá trình sản xuất đáp ứng nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của họ. Do đó, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc mặt quan hệ sản xuất. Sự phân chia lợi ích giữa các chủ thể được căn cứ theo trình độ phân phối của xã hội nhất định. Quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có sự phân biệt với quan hệ pháp luật. Quan hệ pháp luật về sở hữu trí tuệ là điều kiện để các chủ thể lợi ích thực hiện một cách hợp pháp lợi ích của mình. Trong khi đó, quan hệ lợi ích có cả những quan hệ không hợp pháp cần được loại bỏ.
Thứ hai, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ phản ánh bản chất chế độ xã hội và trình độ phát triển của nền kinh tế
Cơ chế điều chỉnh quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được biểu hiện thành hệ thống các chính sách, hệ thống pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ. Chúng thể hiện ý chí, lập trường của chế độ xã hội tương ứng với lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và cốt lõi với vấn đề bảo đảm lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Sự phát triển của khoa học - công nghệ, của sự sáng tạo thì không mang bản chất của chế độ xã hội, song quan hệ giữa con người với con người trong phân phối, thực hiện lợi ích kinh tế lại phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và phản ánh bản chất chế độ xã hội đó, nó được điều chỉnh bởi cơ chế do chế độ xã hội đó sinh ra. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cách thức, lộ trình, trình tự tiến hành của quá trình hội nhập là vấn đề của các quốc gia khác nhau phản ánh chiến lược của họ thông qua hệ thống cơ chế giải quyết lợi ích liên quan.
Như vậy, quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là quan hệ xã hội, thuộc mặt quan hệ sản xuất, mang bản chất kinh tế, chịu sự tác động trực tiếp của sự phát triển lực lượng sản xuất. Do đó, để thúc đẩy hệ quan hệ lợi ích trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ phát triển theo hướng lành mạnh thì phải thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất mà trước hết là hệ thống sáng tạo.