Thứ ba, 28 Tháng 1 2014 00:00

Giải pháp tăng trưởng nguồn nhân lực bền vững

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương nhằm phát triển toàn diện nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao. Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ “Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, lực lượng lao động trẻ, dồi dào chiếm tới 58,5% dân số cả nước. Nhưng tỷ lệ được đào tạo bài bản chỉ đạt 15,4% trong tổng số 51,4 triệu lao động, ở nông thôn lực lượng lao động chiếm hơn 70% cả nước nhưng số lao động được đào tạo bài bản cũng chỉ chiếm có 9%. Vì vậy thực trạng nguồn lao động dồi dào ở nước ta chưa hẳn là dấu hiệu tích cực, thậm chí còn có nhiều tác động tiêu cức đến nền kinh tế.

Theo số liệu của tổng cục thống kê đến năm 2010 cả nước có trên 15 nghìn tiến sĩ, số sinh viên đại học, cao đẳng đạt 2 triệu người nhưng việc đánh giá chất lượng và năng lực thực tế của đội ngũ tri thức nước ta không thể dựa vào số liệu trên. Có tới 63% sinh viên ra trường mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp, mặc dù kiến thức chuyên môn trong trường được trang bị khá kỹ nhưng kiến thức và kỹ năng làm việc thực tế lại quá yếu, các trường đào tạo thường chú trọng vào sách vở giáo điều mà không dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường. Điều này lý giải vì sao nguồn nhân lực Việt Nam sau khi ra trường được nhận vào các doanh nghiệp đều phải mất một khoảng thời gian dài để tập huấn, đào tạo lại kỹ năng làm việc cũng như thích ứng với công việc.

Thị trường lao động phổ thông ở Việt Nam cũng chú trọng nhiều đến số lượng mà chưa có sự quan tâm đúng mức về chất lượng lao động. Người lao động đa số chỉ làm được những công việc đơn giản, tất cả những kiến thức về máy móc kỹ thuật hiện đại đều chưa được phổ cập đến nơi đến chốn. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thuê lao động Việt Nam làm những công việc chân tay bình thường, còn những công việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao đều phải đưa nguồn lao động lành nghề từ nước ngoài về làm. Điều này là một thiệt thòi lớn cho thị trường lao động Việt Nam nhưng khó có thể cải thiện ngay khi tình trạng thừa lao động giản đơn, thiếu lao động kỹ thuật vẫn còn tồn tại.

Ngoài ra còn một số vấn đề nhức nhối tạo ra những tiêu cực và bức xúc cho thị trường nhân lực Việt Nam:

+ Tại các cơ quan công quyền, cơ quan hành chính mức lương trung bình cho một cán bộ rơi vào khoảng 4-5 triệu/1 tháng, điều này dẫn đến cuộc sống của gia đình người lao động không được đảm bảo từ đó gây ra hiện tượng tâm lý làm việc quan liêu, thiếu tâm huyết, tham nhũng, sách nhiễu dân để tìm kiếm những nguồn thu khác ngoài lương.

+ Thực trạng chạy ghế công chức thông qua đút lót, hối lộ diễn ra khá phổ biến tại các cơ quan nhà nước. Như vậy những vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, những vị phải có đủ tư cách đạo đức kèm theo năng lực chuyên môn vững vàng mới có thể đảm nhận được thì nay chỉ cần có tiền là được trao công vụ. Hệ luỵ gây ra là những người có năng lực tốt, đạo đức tốt nhưng không đủ điều kiện chạy chọt chỉ tham gia tuyển dụng theo những cách thông thường thì cũng khó mà được trúng tuyển, gây ra lãng phí nhân tài cho quốc gia.

+ Hệ thống giáo dục Việt Nam còn đầu tư dàn trải, chưa đi vào chiều sâu. Việc đầu tư giáo dục như mở trường đại học, trung tâm giáo dục nghề… chủ yếu tập trung vào số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng. Nên học tập kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, chỉ nên đầu tư phát triển một số trung tâm giáo dục lớn từ đó thu hút được đội ngũ giảng viên giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo.

+ Tư duy về kinh tế còn bảo thủ, lạc hậu, thiếu tinh thần đổi mới. Trên thế giới chưa có một nền kinh tế phát triển nào lại công nhận vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước thế mà ở nước ta tuy duy này vẫn còn tồn tại, lại thêm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm còn khá mông lung chưa có cơ sở thực tiễn

Quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở Việt Nam cần bám sát nhu cầu thị trường, loại bỏ các mô hình đào tạo dàn trải mà không đem lại kết quả thực tế, chỉ tập trung vào những kiến thức cần thiết, thiết thực để đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với các chức danh quan trọng trong hệ thống lãnh đạo cần tạo ra tính cạnh tranh để tìm được người thật sự tài giỏi, có năng lực, ngoài ra tạo điều kiện để nhân dân tham gia tự lựa chọn những chức danh quan trọng này.

Xây dựng hệ thống chính sách thu hút nhân tài, kể cả nhân tài của Việt Nam ở nước ngoài lẫn nhân tài người nước ngoài về Việt Nam làm việc và cống hiến. Người lãnh đạo quốc gia cần có tầm nhìn chiến lược để có thể ban hành những chính sách hợp lý giúp nền kinh tế nước nhà đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Phổ cập ngoại ngữ từ hệ thống lãnh đạo cho đến người lao động tạo công cụ hỗ trợ hội nhập.

Chính sách phân bố nhân tài cũng rất quan trọng. Trong cả một quốc gia, nhân tài chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp từ 2-3% nhưng lại tập trung hết tại một khu vực, chủ yếu là những đô thị lớn vì điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý thị trường lao động ở các vùng nông thôn, nơi có số lao động chiếm tới 70% cả nước. Vì vậy cần hoàn thiện sớm các chính sách thu hút nhân tài về các địa phương làm việc giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn. Ngoài ra trong thời buổi hội nhập, cả vấn đề trọng dụng nhân tài cũng được quốc tế hoá vì vậy cần có những chế độ đãi ngộ hợp lý, giao phó nhiệm vụ quan trọng tương xứng với tài năng, tạo điều kiện và môi trường làm việc hấp dẫn giúp thu hút nhân tài cống hiến cho nước nhà.

Tại các cơ quan công quyền, các trụ sở hành chính cần thay đổi chính sách lương bổng, giải quyết tình trạng bất hợp lý là lương không đủ sống nhưng vẫn đủ điều kiện xây nhà đẹp, mua xe sang. Nếu cần thiết có thể giảm biên chế làm gọn nhẹ bộ máy công quyền, tạo điều kiện cho nhân tài được vào làm tại những cơ quan này giúp mang lại lợi ích cho nhân dân và đất nước.

Cải tiến hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế:

+ Chương trình đào tạo, giáo trình, kiến thức cần phải được cải cách, thay đổi và liên thông với quốc tế. Cái gì cần học thì dạy, cái gì không cần thiết thì giảm tải tránh tình trạng lãng phí thời gian vào những môn học vô bổ mà cái cần học thì không được học.

+ Loại bỏ phương thức giáo dục nhồi nhét kiến thức, thầy đọc trò chép, phát huy tính tự giác trong học tập và kích thích sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong trường.

+ Giáo dục kiến thức đi kèm với giáo dục nghề và kỹ năng làm việc cùng với đó là các kỹ năng mềm như kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm…

+ Đối với lao động nhập cư từ các vùng nông thôn lên các đô thị lớn cần tạo điều kiện ổn định an sinh xã hội từ đó giảm tình trạng mất trật tự xã hội.

+ Thị trường lao động ở nông thôn là một thị trường tiềm năng, cần có những chính sách hợp lý để phát huy thế mạnh này. Trước tiên cần thu hút người tài về nông thôn làm việc để cải thiện kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại hoá và tiếp đó là quản lý và đào tạo đội ngũ lao động ở nông thôn.

Đảng ta từ lâu đã quan niệm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và việc phát triển nhân tài là quốc sách hàng đầu. Cũng đã có nhiều chính sách, cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài cống hiến cho quốc gia. Tuy nhiên nhiều biện pháp chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn, cần nhiều hơn nữa các dự án mang tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn theo hướng hiện đại và quốc tế hoá. Trong đó cần đổi mới tư duy, quan điểm về chính sách giáo dục đào tạo của nước nhà từ đó tháo gỡ các bất cập mới mong mở rộng được đội ngũ nhân tài.

 


 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 29 Tháng 5 2014 08:39

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành