Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 06:53

Phương hướng hoàn thiện luật trợ giúp pháp lý thời kỳ hội nhập quốc tế

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Luật trợ giúp pháp lý do Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 tạo khung pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi của người nghèo, người thuộc diện chính sách được hưởng trợ giúp khi tiếp cận pháp lý. Luật trợ giúp pháp lý ra đời đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Trợ giúp pháp lý đã có những tác động tích cực tới đời sống xã hội, đảm bảo việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của nhà nước ta.

Hiện nay, trước sự thay đổi lớn về kinh tế - xã hội trong nước cũng như thế giới, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cụ thể như:

Một, về quy định người được hưởng trợ giúp pháp lý chưa tập hợp trong một văn bản cụ thể mà còn rải rác ở các văn bản khác nhau. Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý 2006 quy định: Người được trợ giúp pháp lý

1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng.

3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”

Tuy nhiên, để được xem xét là đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý như trên, những người thuộc diện này ở từng vùng, miền là khác nhau phụ thuộc vào chính sách an sinh, xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, tiếp cận với bản chất của trợ giúp pháp lý là dành cho các đối tượng khó khăn về khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý, việc quy định như trên dẫn tới việc khoanh hẹp đối tượng cần trợ giúp pháp lý, chưa đáp ứng được tinh thần các Công ước, Hiệp ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam gia nhập, đồng thời hạn chế quyền được hưởng trợ giúp pháp lý chính đáng mà Nhà nước cần đảm bảo cho người dân.

Hai, chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý chưa đảm bảo, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về trợ giúp viên pháp lý ngoại trừ luật sư còn thấp, dẫn tới việc thực hiện bảo đảm quyền, lợi ích của người được trợ giúp pháp lý còn chưa bảo đảm.

Ba, bộ máy cơ quan trợ giúp pháp lý còn cồng kềnh, dẫn tới việc hoạt động kém hiệu quả. Theo Báo cáo số 158/BC-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Tư pháp tổng kết 08 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý thì cả nước ta có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, 201 Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương (cấp huyện và liên huyện).

Bốn, hoạt động trợ giúp pháp lý mới dừng lại chủ yếu ở công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, trong khi đó, cốt lõi của vấn đề là trợ giúp người dân tham gia tố tụng, bào chữa, tư vấn luật còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tiễn của người dân.

Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, việc xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đặt ra yêu cầu cấp thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động trợ giúp pháp lý, từng bước tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên trên cơ sở nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý sao cho ngang bằng với tiêu chuẩn của luật sư, kêu gọi và tạo điều kiện huy động các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý, có như vậy mới có thể kịp thời đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân. Nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp, góp phần từng bước thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, việc xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cần tuân thủ các yêu cầu sau:

Thứ nhất, đảm bảo các quy định về chính sách an sinh xã hội thông qua việc thể chế hóa các quy định của Nhà nước về quyền con người, chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc. Đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền được bào chữa của công dân, đặc biệt là người được trợ giúp pháp lý thông qua việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013).

Thứ hai, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý bằng cách quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề của trợ giúp viên nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ trợ giúp viên từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý. Ngoài ra cần quy định ưu đãi với các tổ chức xã hội nhằm huy động các nguồn lực tham gia trợ giúp pháp lý.

Thứ ba, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, cần có quy định tái thiết kế các tổ chức trợ giúp pháp lý theo hướng tinh giản số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, việc xây dựng luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  1. Đảm bảo vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, Nhà nước có trách nhiệm đối với việc hỗ trợ người dân đặc biệt là người nghèo, người thuộc diện chính sách, người không đủ điều kiện tài chính trả chi phí dịch vụ pháp lý khi họ cần tư vấn, bào chữa nhằm bảo đảm sự công bằng khi thực thi pháp luật. Với bản chất là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò của Nhà nước ta trong hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân càng phải được nâng cao. Yếu tố quan trọng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý là đảm bảo và mở rộng các diện đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý trên cơ sở điều kiện - kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng, cụ thể có thể mở rộng thêm đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý là các hộ cận nghèo và một số đối tượng khác nhằm tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng sự công bằng khi họ phải đối diện với pháp luật hoặc khi cần tư vấn pháp lý.
  2. Để bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì chất lượng trợ giúp pháp lý cần phải được đảm bảo. Điều này chỉ khả thi khi chính đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý được chuẩn hóa với các quy định rõ ràng về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý 2006 quy định: “1. Trợ giúp viên pháp lý là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có bằng cử nhân luật;

c) Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

d) Có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên;

e) Có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

3. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức sau đây:

a) Tư vấn pháp luật;

b) Tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

c) Đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

d) Thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác.”

  Như vậy, có thể thấy rằng đối tượng trợ giúp viên pháp lý bó hẹp trong phạm vi là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý, nên chăng có thể quy định thêm là luật sư, tư vấn viên pháp luật cũng có thể tham gia trợ giúp pháp lý, đảm bảo mở rộng nguồn lực tham gia trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý và giảm tải cho ngân sách nhà nước, tinh gọn bộ máy nhà nước.

  1. Trợ giúp pháp lý là một chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho những người nghèo, người khó khăn, người thuộc diện chính sách được hưởng những quyền lợi đầy đủ khi đối diện với các vấn đề pháp lý như những người dân khác. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động hoàn toàn miễn phí, người được trợ giúp không phải trả bất kì một khoản phí nào cho hoạt động này. Đây là một chính sách an sinh xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc xã hội hóa hoạt động này hoàn toàn khác biệt so với việc xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế khi thực hiện xã hội hóa thì các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi nhuận từ các hoạt động trên, do đó việc thực hiện xã hội hóa thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý khá khó khăn. Ở các nước trên thế giới thường sử dụng mô hình hỗn hợp tức là Nhà nước và các tổ chức xã hội cùng thực hiện trợ giúp pháp lý, kêu gọi các tổ chức cùng thực hiện việc thiện nguyện khi tham gia trợ giúp pháp lý nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước khi phải chi trả cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và tăng số lượng hoạt động trợ giúp pháp lý đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
  2. Một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) là cần xác định nhiệm vụ cốt yếu của hoạt động trợ giúp pháp lý, theo đó là giải quyết những vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể liên quan đến tranh chấp, vướng mắc pháp luật của người được trợ giúp pháp lý. Thực tiễn chứng minh rằng các vụ việc yêu cầu trợ giúp pháp lý là các việc liên quan tới tố tụng và tư vấn pháp luật.

Có thể thấy rằng, trợ giúp pháp lý là một chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo, người có công, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số. Cùng với sự thay đổi về kinh tế - xã hội, thay đổi của xu thế hội nhập thế giới, việc xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) là hoàn toàn cần thiết nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của trợ giúp pháp lý đáp ứng kịp thời nhu cầu và nguyện vọng của người dân nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành