Thứ tư, 29 Tháng 1 2014 00:00

Bảo hiểm y tế: Bảo đảm quyền lợi của người dân

 

Với tư cách là những người đại diện cho lợi ích của nhân dân, ĐBQH có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc ban hành các chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách đáp ứng quyền lợi của người dân. Bảo hiểm y tế là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hầu như tất cả người dân. Chính vì vậy, trong lĩnh vực BHYT, vấn đề quyền lợi của người dân càng cần được chú trọng trong hoạt động của ĐBQH, đòi hỏi đại biểu phát sát với những khó khăn của người dân đang gặp phải.

Chẳng hạn, việc cấp lại hoặc đổi lại thẻ bảo hiểm y tế, như một ĐBQH nêu vấn đề, trong trường hợp mà lỗi do cơ quan bảo hiểm thì người được cấp lại thẻ hay đổi lại thẻ không phải nộp phí. Hoặc có đại biểu phát hiện sẽ có thời gian gián đoạn về quyền lợi bảo hiểm y tế của trẻ em khi thẻ bảo hiểm y tế đã đủ thời hạn 72 tháng nhưng chưa đến tháng 9 để đi học lớp 1. Vì vậy, nhằm bảo đảm liên tục quyền lợi của trẻ em khi khám và chữa bệnh, đại biểu đã đề nghị bổ sung thêm nội dung khi hết thời gian sử dụng thẻ 72 tháng trẻ em tiếp tục được khám, chữa bệnh đến tháng 9 của năm trẻ bắt đầu đi học lớp 1 khi có bảo hiểm y tế học đường.

Trong việc cấp phát thẻ BHYT, hiện nay bảo hiểm y tế phân ra quá nhiều nhóm đối tượng, có đến hơn 25 đối tượng dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện, vì nhiều đầu mối nên quản lý chồng chéo, nhiều đối tượng nằm trong diện nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhưng không biết đầu mối quản lý ở đâu, không ai lập danh sách nên họ bị bỏ sót, ngược lại có trường hợp một người nhưng lại nằm trong nhiều đối tượng khác nhau, mỗi đối tượng lại có một đầu mối quản lý lập danh sách, nên khi cấp phát thẻ thì có người có đến 3, 4, 5 thẻ bảo hiểm. Đối tượng này thường được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm nên gây thất thoát nguồn công quỹ khá lớn, thẻ bảo hiểm hiện nay làm bằng giấy chưa tốt, dễ bị nhàu, nát, trên thẻ có chỗ dán hình, nhưng người mua bảo hiểm không được dán hình, nên khi khám, chữa bệnh phải có vừa thẻ bảo hiểm, vừa phải có chứng minh nhân dân.

Bàn về việc phân tuyến, chuyển tuyến, qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH nhận thấy bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính nan y như suy thận, tiểu đường, ung thư, tim mạch v.v... đã được cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới chuyển lên tuyến trên, tại đây sau khi điều trị các bệnh tạm ổn cho xuất viện nhưng đòi hỏi phải tái khám định kỳ và nhận thuốc đặc hiệu mà tuyến dưới không có. Nhưng mỗi lần đi khám, người bệnh buộc phải có giấy chuyển viện gây khó khăn cho người bệnh, nhất là người bệnh ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cho người bệnh đi lại rất vất vả, thậm chí phải đi mất vài ngày mới hoàn tất được thủ tục chuyển viện. Từ thông tin thu nhận được qua tiếp xúc cử tri, ĐBQH đề nghị đối với các bệnh nan y mãn tính như nêu trên phải điều trị nhiều đợt tại các cơ sở y tế tuyến trên thì người bệnh chỉ cần làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế đúng tuyến. Những lần tái khám sau đó không phải làm thủ tục chuyển tuyến để tránh gây phiền hà cũng như kinh phí cho người bệnh.

Việc đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình để quản lý có thể tránh trùng lặp đối tượng, tăng sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình đối với những đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mới đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp đối với một số hộ gia đình còn khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ phía nhà nước, nhất là đối với những người dân ở nông thôn không có việc làm. Hơn nữa, thực tế hiện nay người nông dân di cư sang các địa phương khác làm ăn khá phổ biến. Vì vậy, nếu đóng bảo hiểm y tế theo chế độ gia đình thì khi đối tượng thực hiện khám, chữa bệnh theo phân tuyến sẽ rất khó khăn cho người dân.

Những bệnh nặng, những bệnh mãn tính, nhiều bệnh khi điều trị phải tốn đến vài trăm triệu đồng thì việc đồng chi trả 5% và 20% là số tiền lớn đối với người dân, gây khó khăn cho các hộ gia đình, cũng là nguyên nhân làm giảm đi tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế đối với người dân trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc quy định mức đồng chi trả 5% cho một số nhóm đối tượng và 20% chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng còn nặng nề, gây khó khăn cho các đối tượng khi đi khám và điều trị bệnh. Xuất phát từ ý kiến của nhiều cử tri, ĐBQH đề nghị bãi bỏ việc đồng chi trả 5% cho thêm 3 đối tượng đó là người hưởng lương hưu, người trợ cấp mất sức hàng tháng, những người là thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ cận nghèo, vì hiện nay các đối tượng này rất khó khăn về kinh tế, khi bệnh nặng phải đồng chi trả một khoản tiền lớn đã khó khăn lại rơi vào tình trạng khó khăn hơn. Riêng các đối tượng khác, cần hạ mức đồng chi trả xuống 10% để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình mà không ảnh hưởng gì đến độ an toàn và tính bền vững của bảo hiểm y tế vì kết dư bảo hiểm y tế hiện đã khá lớn và bền vững.

Từ vị trí đại diện cho các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội, các ĐBQH cũng chú ý không bỏ sót những nhóm cần đưởng hưởng các quyền lợi của BHYT. Ví dụ, có ĐBQH phát biểu, qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, có thể thấy cử tri liên tục kiến nghị Quốc hội phải xem xét, bổ sung đối tượng là đồng bào dân tộc Kinh sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế như đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở cùng trên một địa bàn. Hoặc “xét nghiệm chẩn đoán thai nhi không nhằm mục đích điều trị” cũng được bảo hiểm y tế chi trả vì rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng bà mẹ trẻ em và chất lượng dân số. Hoặc số tiền chi cho bảo hiểm y tế dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gấp nhiều lần số thực thanh thực chi như trước đây, nhưng trẻ em dưới 6 tuổi không được hưởng đầy đủ quyền lợi như khi thực thanh thực chi vì quy định mức trần, trẻ em mổ tim bẩm sinh vẫn không được sự hỗ trợ như khi thực thanh thực chi. Vì vậy, cần bỏ quy định mức trần đối với trẻ em dưới 6 tuổi và quy định cho trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh một cách đầy đủ nhất.

Qua các ví dụ trên đây, có thể thấy sự gắn kết trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác nhau của ĐBQH. Cụ thể trong trường hợp này là sử dụng thông tin thu nhận được từ cử tri, từ báo cáo giám sát về BBHYT để có đề xuất kiến nghị trong xem xét, thảo luận về dự án luật BHYT sửa đổi. Qua đó, các ĐBQH đã chú trọng bảo vệ quyền lợi của các nhóm dân cư trong việc thực hiện BHYT, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ mang thai…

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 29 Tháng 5 2014 08:42

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành