Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 07:06

Kỹ năng phân tích rủi ro trong phân tích chính sách công

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng”, nhiều cơ hội mở ra nhưng cũng xuất hiện không ít rủi ro đối với sự phát triển của mỗi quốc gia nói chung và tổ chức nói riêng. Với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu, áp lực suy thoái và những khó khăn nhiều chiều từ nền kinh tế - xã hội, làm cho mỗi chủ thể (trong đó bao gồm cả tổ chức nhà nước) ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quản trị rủi ro và nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Hiện nay, các cơ quan nhà nước ở Việt Nam đã chú ý đến quản trị rủi ro và coi đó là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các quá trình kinh tế - xã hội. Chẳng hạn Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 175/2013/TT-BTC ngày 29-11-2013 quy định vể áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Trong quản trị rủi ro, phân tích rủi ro là một bước rất quan trọng vì kết quả của hoạt động này là cơ sở để tìm ra các biện pháp quản lý rủi ro.

Phân tích rủi ro tốt sẽ giúp cho chủ thể đi đến những hành động đúng đắn, kịp thời nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi đến kế hoạch của mình. Đồng thời nó còn giúp họ đi đến quyết định xem liệu những chiến lược tổ chức sử dụng để kiểm soát rủi ro có cân đối giũa chi phí và hiệu quả mang lại hay không.

a) Căn cứ vào bản chất của đối tượng có thể sử dụng phương pháp theo lý thuyết quyết định và lý thuyết xác suất

- Lý thuyết quyết định

Trong quá trình quản lý rủi ro, sau khi nhận dạng rủi ro và lập bảng liệt kê tất cả các rủi ro có thể có đối với một chương trình, dự án, là tiến hành phân tích rủi ro cho dự án để xác định đúng nguyên nhân gây ra rủi ro, trên cơ sở đó mới có thể tìm ra các biện pháp quản lý hiệu quả.

Lý thuyết quyết định hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra quyết định trong điều kiện có nhiều bất trắc, trong đó có cả các quyết định ngắn hạn, trung hạn, hoặc dài hạn tuỳ từng trường hợp cụ thể. Lý thuyết này giả thiết giá trị các biến quyết định là đã biết một cách chắc chắn.

Phương pháp phân tích lý thuyết quyết định bao gồm: phương pháp phân tích lôgích, phương pháp phân tích chuỗi đầu – cuối, phương pháp ma trận quyết định, phương pháp phân tích cây quyết định...

Phương pháp này thường được thực hiện theo các bước sau đây:

  + Xác định và xây dựng phương án giải quyết vấn để;

  + Đánh giá giá trị và những bất trắc đối với các đầu ra có thể;

  + Xác định sự lựa chọn tối ưu nhất;

  + Thực hiện quyết định.

- Lý thuyết xác suất

Trên thực tế, phương pháp phân tích theo lý thuyết quyết định có thể không được sử dụng trong nhiều trường hợp, vì giá trị của các biến quyết định là chưa thể biết một cách chắc chắn. Trong khi đó, lý thuyết xác suất lại xem xét được các yếu tố khi không xác định một cách chắc chắn. Phương pháp phân tích theo lý thuyết xác suất bao gồm: phương pháp xác suất chủ quan và phương pháp xác suất khách quan. Các bước thực hiện phương pháp này là:

  + Xác định xác suất xảy ra các rủi ro;

  + Xác định mức độ ảnh hưởng nếu các rủi ro đó xảy ra;

  + Đánh giá giá trị đối với toàn bộ hoạt động của tổ chức;

  + Đưa ra kết luận và thực hiện.

b) Căn cứ vào hình thức thể hiện của đối tượng chịu rủi ro có thể sử dụng phương pháp phân tích định tính và phân tích định lượng:

- Phương pháp phân tích định tính trong phân tích rủi ro

Mục đích của phân tích định tính là nhằm đánh giá tổng thể xem rủi ro tác động đến những bộ phận nào và mức độ ảnh hưởng của nó đến đâu đối với từng bộ phận và toàn bộ hoạt động của tổ chức. Phân tích định tính là việc mô tả tác động của mỗi loại rủi ro và sắp xếp chúng vào từng nhóm mức độ như: rủi ro cao, trung bình hay thấp. Đối với những loại công việc đơn giản có thể chỉ áp dụng phương pháp định tính để xác định rủi ro. Ngoài ra cũng có một số hoạt động không thể áp dụng phương pháp phân tích định lượng thì việc phân tích định tính để xác định rủi ro là rất cần thiết.

Phương pháp phân tích định tính được thể hiện bằng các phương pháp cụ thể sau đây:

+ Phương pháp chuyên gia cũng là một trong các phương pháp định tính. Với phương pháp này, người ta thu thập ý kiến của các chuyên gia để đánh giá xác suất xảy ra rủi ro và mức độ xảy ra rủi ro một cách định tính. Phương pháp này có thể được tiến hành thông qua việc tổ chức họp chung để lấy ý kiến chuyên gia (phương pháp chuyên gia tập thể); hoặc thông qua việc bỏ phiếu kín để ý kiến các chuyên gia không ảnh hưởng đến nhau (phương pháp Delphi). Xác suất xuất hiện rủi ro có thể được mô tả một cách định tính như là rất thấp, thấp, bình thường, cao, và rất cao.

Mức độ tác động của rủi ro cũng có thể được mô tả một cách đơn giản như là rất cao, cao, bình thường, thấp, và rất thấp, trên cơ sở đó người ta gắn giá trị cụ thể cho mức độ tác động này. Các giá trị này có thể là tuyến tính (như: 1, 3, 5, 7, 9) hoặc phi tuyến (như: 1, 2, 4, 8, 16).

Trên cơ sở kết hợp xác suất xuất hiện và mức độ tác động của rủi ro, ma trận rủi ro được xây dựng để xác định các mức độ rủi ro (rất thấp, thấp, bình thường, cao, và rất cao).

+ Phương pháp đầu - cuối

Phương pháp này xác định chuỗi các mục tiêu và một loạt các hành động để đạt được các mục tiêu đó. Nó dựa trên một thực tế là mỗi mục tiêu dẫn tới một quyết định được lựa chọn sẽ là cơ sở để đi đến một quyết định khác tiếp theo. Nguyên tắc xây dựng chuỗi đầu – cuối là biện pháp chính làm cơ sở để đạt được một mục tiêu, và từ đó dẫn đến một mục tiêu tiếp theo cao hơn. Trên cơ sở xây dựng chuỗi đầu - cuối, ta có thể xem xét đến các rủi ro có thể, cũng như đưa ra các tình huống tốt nhất và xấu nhất có thể xảy ra.

Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực xây dựng. Ví dụ, tổ chức xác định đi từ biện pháp A1 để đạt mục tiêu A, song trong thực tế các vấn đề thường có mối quan hệ đa chiều phức tạp, vì thế khi chúng ta muốn đạt được mục tiêu A, chúng ta không chỉ cần thực hiện các biện pháp A1, mà còn phải trên cơ sở kết thúc mục tiêu B. Việc kết thúc B cũng chỉ là một mục tiêu chuyển tiếp và nó cũng khá khó khăn để có thể đạt được, vì vậy chúng ta phải thực hiện các biện pháp Bl. Theo cách xây dựng chuỗi đầu - cuối tiếp tục như vậy cho đến khi chuỗi đòi hỏi phải thực hiện một biện pháp nào đó không thể thực hiện được.

+ Phương pháp phân tích mô tả

Phương pháp này được tiến hành trên cơ sở mô tả các tình huống xấu tốt có thể xảy ra. Đây là các tình huống giả định, từ đó tiến hành phân tích xác suất và mức độ tác động của rủi ro một cách định tính theo kinh nghiệm và trình độ của các chuyên gia và các nhà quản lý tổ chức.

- Phương pháp phân tích định lượng

Phân tích định lượng là việc sử dụng các phương pháp toán, thống kê và tin học để ước lượng rủi ro về chi phí, thời gian, nguồn lực và mức độ bất định. Một sô công cụ thường sử dụng để lượng hóa rủi ro như phân tích mạng, phân tích xác suất, phương pháp đồ thị, phân tích quan hệ... 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành