Thứ tư, 29 Tháng 1 2014 00:00

Bảo hiểm y tế bắt buộc: Cần làm rõ khái niệm bắt buộc

Một trong những nội dung mới trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế hiện nay là bảo hiểm y tế bắt buộc. Bên cạnh những ý kiến đồng ý với quy định này, vẫn còn không ít ý kiến đặt vấn đề về sự cần thiết, tính khả thi của nó. Là những người bấm nút về dự luật này, các ĐBQH cần phải tìm kiếm thêm thông tin, phân tích thiệt hơn các phương án được đưa ra để làm rõ hơn về khái niệm mới này.

Trước hết, ĐBQH cần giải đáp câu hỏi, trong tình hình hiện nay, thực sự có cần thiết quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc hay không. Lập luận được đưa ra để ủng hộ BHYT bắt buộc vì đây là trách nhiệm xã hội để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao được giá trị xã hội, huy động được sức mạnh của cộng đồng, đoàn kết, tương trợ chia sẻ rủi ro giữa các thành viên trong xã hội. Đồng thời tạo lập ý thức trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mặt khác, có ĐBQH cho rằng, BHYT bắt buộc chưa khả thi trong tình hình hiện nay. Đại biểu dựa trên thông tin trong Báo cáo giám sát của UBTVQH để đưa ra nhận định này, theo đó, đến hết năm 2012 cả nước mới có 66,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó chủ yếu là đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi do ngân sách hỗ trợ. Có 18 tỉnh đạt dưới 60%, 4 tỉnh đạt dưới 50%, lao động trong doanh nghiệp đạt 54,7%, hộ nghèo đạt 25%, nhóm tự nguyện mới chỉ đạt 28%.

Tuy nhiên, một ĐBQH khác cũng sử dụng con số 66,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế, nhưng để ủng hộ quy định BHYT bắt buộc. Theo đại biểu này, vẫn còn khoảng 33% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế chưa cao. Vì vậy, đại biểu tán thành với việc sửa đổi các đối tượng “có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế” thành “bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc”. Như vậy, cùng một con số, nhưng các ĐBQH có thể sử dụng, phân tích thông tin để lập luận cho những quan điểm khác nhau.

Một số vấn đề về chính sách cũng sẽ phát sinh nếu quy định BHYT là bắt buộc, cần thu thập, phân tích thêm thông tin như: những người dân có mức thu nhập trung bình có bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm y tế, trong khi họ đang có một sức khỏe rất tốt và họ chưa thật sự cần đến việc sử dụng các dịch vụ y tế? Liệu BHYT bắt buộc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, nếu như hiện nay nhiều nhiều người mua bảo hiểm y tế phải thường xuyên khám vượt tuyến gây nên tình trạng quá tải ở các tuyến trên như hiện nay? Hơn nữa, điều kiện kinh tế và thu nhập của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn còn thấp, nếu quy định bắt buộc sẽ có một số bộ phận dân cư không có điều kiện tham gia, vậy xử lý nhóm này như thế nào, nếu không xử lý thì luật không nghiêm, xử lý thì sẽ xử lý như thế nào? Để trả lời các câu hỏi trên, ĐBQH cần có cả những thông tin định lượng, ví dụ các con số thống kê, các khảo sát xã hội học; cả những thông tin định tính, ví dụ ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức xã hội, nhất là từ người dân thu thập được qua các hội nghị, hội thảo, tiếp xúc cử tri, các cuộc tham vấn…

Hoặc ĐBQH có thể sử dụng thông tin về kinh nghiệm nước ngoài, ví dụ một ĐBQH cho biết, các nước đã thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân thì đều quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với mọi công dân và ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho trên 50% dân số, như Cộng hòa Séc, Thái Lan. Từ đó, đại biểu này đề nghị, đối với các nhóm đối tượng khó khăn, ngân sách nhà nước cần hỗ trợ đóng BHYT mới đảm bảo được tính khả thi của bảo hiểm y tế bắt buộc.

Việc làm rõ quy định về BHYT bắt buộc còn liên quan trực tiếp tới các nội dung khác trong chương trình nghị sự của Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chẳng hạn một ĐBQH đặt câu hỏi: Quốc hội đặt ra chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2015 là 75% và đến năm 2020 là 80%. Vậy, nếu sửa đổi quy định từ “trách nhiệm” thành “bắt buộc” tham gia bảo hiểm y tế thì chỉ tiêu nêu trên có thay đổi hay không? Đồng thời cũng cần làm rõ việc quy định BHYT bắt buộc có kéo theo thay đổi về lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân hay không? Có hủy bỏ quy định về bảo hiểm y tế tự nguyện hay không?

Qua các thông tin có được, từ quá trình phân tích, có thể nhận thấy, nếu chỉ đơn thuần quy định cụm từ "bắt buộc" trong luật và trong tổ chức thực hiện thì vẫn lấy vận động, thuyết phục là chính thì việc thay thế quy định trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế thành quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế là chưa cần thiết. Để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong tương lai, bảo hiểm y tế bắt buộc là phù hợp. Nhưng hiện tại để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế chứ không ép buộc người dân mua bảo hiểm y tế. Vấn đề là làm sao để không còn phân biệt khám, chữa bệnh giữa có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế. Từng bước để cải thiện người có bảo hiểm y tế được ưu tiên khám trước, được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, được sử dụng thuốc phù hợp để rút ngắn thời gian điều trị, nếu như hoán đổi lại khám bảo hiểm y tế như khám dịch vụ hiện nay thì toàn dân sẽ tham gia bảo hiểm y tế. Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính khi đó người dân sẽ tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 29 Tháng 5 2014 08:45

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành