Nhà nước là một hiện tượng lịch sử, xuất hiện khi loài người đạt được một ngưỡng văn minh nhất định và là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Ngưỡng văn minh này, tùy theo mỗi học thuyết, gắn liền với sự phát triển của một khía cạnh trong đời sống nhân loại. Các Mác (Karl Marx) với học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp đã xác định ngưỡng văn minh này chính là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tômát Hốpbơ (Thomas Hobbes), Giôn Lốckơ (John Locke), Giăng Giắc Rútxô (J.J. Rousseau) lại cho rằng, ngưỡng này đạt được khi loài người bắt đầu ý thức về sự cần thiết phải thoát khỏi trạng thái tự nhiên và xác lập một trạng thái khác, an toàn hơn, thịnh vượng hơn[1]. Trạng thái này là trạng thái xã hội, được xây dựng trên cơ sở khế ước, với sản phẩm quan trọng bậc nhất là Nhà nước. Có thể thấy rằng, nguồn gốc ra đời Nhà nước là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, chẳng những bởi tính chất lịch sử mà còn vì những hệ lụy chính trị của nó. Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn, có thể khẳng định Nhà nước là tổ chức sử dụng nguồn lực lớn nhất của quốc gia để thực hiện các chức năng quản lý và phát triển xã hội, hướng tới những lợi ích công cộng. Sứ mệnh của một Nhà nước, nếu không phải hoàn toàn thì cũng chủ yếu là phục vụ lợi ích công cộng. Tuy vậy, không phải ở đâu và vào lúc nào, Nhà nước cũng biểu hiện tính cách lý tưởng như trên. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của tất cả các kiểu nhà nước, việc thực hiện sứ mệnh phục vụ lợi ích công cộng luôn gặp không ít khó khăn, thách thức từ phía các nhân tố chủ quan và khách quan. Một trong những thách thức ấy là tham nhũng - một hiện tượng xã hội gắn liền với quyền lực công và việc sử dụng các nguồn lực công.
Cần làm rõ khái niệm tham nhũng là gì, có có ảnh hưởng thế nào đến quản lý xã hội của các quốc gia? Theo Xamuen Hăntingtơn (Samuel Huntington) định nghĩa tham nhũng “là hành vi lệch chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi”. Định nghĩa này đưa ra ba dấu hiệu để nhận dạng tham nhũng như hành vi của nhân viên công quyền, lệch chuẩn và mưu cầu tư lợi.[2]
Dưới một góc độ luật học thì tham nhũng được hiểu là: “sự phá vỡ những nguyên tắc công chính, đức hạnh và luân lý”[3]. Định nghĩa này tương đối rộng, phù hợp với lối tiếp cận từ nguyên học, theo đó, tham nhũng (corruption) có nguồn gốc từ rumpere (từ Latinh có nghĩa là phá vỡ, tiêu hủy). Tuy nhiên, khi xem xét tham nhũng không chỉ trong phạm vi khu vực công, mà còn bao gồm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội có tổ chức; không chỉ mô tả những hành vi có mục đích tư lợi, mà còn bao gồm cả những hành vi trái với luân thường, đạo lý.
Từ những phân tích nêu trên, tham nhũng gắn liền với quyền lực công mà chủ thể là Nhà nước; mà Nhà nước lại là một hiện tượng phổ biến từ Đông sang Tây. Do đó, tham nhũng cũng là một hiện tượng phổ biến. Trong không gian Hán ngữ, thuật ngữ tham nhũng được ghép từ chữ tham[4] (hưởng lợi một cách bất chính, ham lấy tiền của bằng bất cứ thủ đoạn nào) và chữ nhũng[5] (lộn xộn, tạp loạn, phiền phức). Từ sự liên kết nội dung hai chữ riêng biệt tham và nhũng nêu trên, có thể thấy rằng, cách tiếp cận theo lối chiết tự đối với thuật ngữ tham và nhũng mang đến một cách nhìn về hiện tượng tham nhũng khá tương đồng với cách định nghĩa của Xamuen Hăntingtơn (Samuel Huntington) được đề cập ở trên. Tính chất hàm súc của thuật ngữ Hán - Việt có thể đưa đến những ý nghĩa mới mẻ và thuật ngữ tham nhũng, do đó, có thể diễn đạt như sau: Tham nhũng là hưởng lợi một cách bất chính (tham) bằng sự vi phạm các chuẩn mực hoặc thiết lập những quy định phiền phức (nhũng). Cách diễn đạt này rất phù hợp trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi tình trạng tham nhũng trầm trọng không chỉ đến từ những hành vi vi phạm các chuẩn mực xã hội, quy định pháp luật, mà còn đến từ việc duy trì những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp để trục lợi (giấy phép con là một hiện tượng phổ biến).
Dưới góc độ pháp lý, tham nhũng bị coi là tội phạm. Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định “Các tội phạm về tham nhũng” tại Mục A, Chương XXI- Các tội phạm về chức vụ. “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”[6] . Như vậy, tham nhũng là những hành vi phạm tội gắn liền với quyền lực công, nảy sinh từ quá trình hoạt động công vụ; do đó, về cơ bản, chỉ những người nắm giữ quyền lực công, thực hiện hoạt động công vụ, chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức, mới có khả năng phạm phải loại tội này. Cũng theo cách tiếp cận trên, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012 coi tham nhũng là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”[7] , đồng nghĩa với việc xác nhận rằng, tham nhũng chỉ có thể xảy ra trong quá trình cán bộ, công chức nhà nước thực thi hoạt động công vụ.
Tuy nhiên, khái niệm công vụ chưa được định nghĩa một cách thống nhất. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở các căn cứ xác định yếu tố “công” trong công vụ: dựa vào chủ thể hoạt động công vụ hay mục tiêu hoạt động công vụ. Với cách tiếp cận truyền thống, căn cứ vào chủ thể, công vụ được đồng nhất với hoạt động nhà nước, bao gồm những chức năng, nhiệm vụ được thực hiện bằng công quyền; chủ thể nhân danh Nhà nước thực thi những công vụ nhất định dựa trên các nguyên tắc, quy định của pháp luật. Đây là cách tiếp cận tương đối phổ biến trong nền hành chính công truyền thống với bộ máy cồng kềnh, quan liêu bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội - nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khả năng nảy sinh những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm vụ lợi, mưu cầu lợi ích cá nhân. Đó cũng chính là “mảnh đất lý tưởng” của vấn nạn tham nhũng.
Lý thuyết hành chính hiện đại lại có cách tiếp cận về công vụ khác với cách tiếp cận truyền thống kể trên. Tiêu biểu bởi bộ máy hành chính phục vụ gọn nhẹ và hiện tượng chuyển giao các dịch vụ công cộng cho xã hội, nền hành chính này xác định yếu tố “công” căn cứ vào mục tiêu của hoạt động công vụ, rằng công vụ là hoạt động phục vụ lợi ích công, có thể được thực hiện bởi công chức nhà nước hoặc các tổ chức được Nhà nước trao quyền, ủy quyền, các tổ chức phi chính phủ... Một số tổ chức quốc tế hiện nay đã và đang nghiên cứu, tìm hiểu bản chất của hiện tượng tham nhũng theo hướng tiếp cận này.
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đưa ra định nghĩa về tham nhũng như sau: “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó vì lợi ích cá nhân”.[8]
Hội đồng châu Âu cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra một định nghĩa rộng hơn về tham nhũng; theo đó, tham nhũng gồm có các yếu tố cấu thành sau: a) Hành vi của những người dược tin cậy giao phó nhiệm vụ công hoặc tư: b) Không tôn trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình: c) Nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng.
Nếu như các quan niệm truyền thống chỉ bó hẹp hiện tượng tham nhũng trong phạm vi hoạt động công thì theo các định nghĩa nêu trên, hiện tượng tham nhũng được mở rộng, bao trùm các lĩnh vực công, tư, bán công, chuẩn mực đạo lý của xã hội đề cao vai trò tự quản, tham gia quản lý xã hội của các tổ chức xã hội, đoàn thể, quần chúng, thực tiễn lợi dụng vị trí được tin cậy trong giao dịch dân sự cũng như tham nhũng chính trị. Điểm đặc biệt là ở đây là người ta không nhắc hay để cập gì quyền lực, mà chỉ nói đến nhiệm vụ được tin cậy giao phó. Điều này phù hợp với quan điểm chung, thống nhất hiện nay về nguyên tắc phân chia quyền lực trên cơ sở quan hệ giữa nhiệm vụ và quyền hạn trong Nhà nước pháp quyền; theo đó, quyền lực được trao là để hoàn thành một nhiệm vụ xác định, nghĩa là phải xác định nhiệm vụ cụ thể trước khi trao quyền. Việc nhấn mạnh nội dung “được tin cậy giao phó” cho thấy nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tham nhũng nằm ở lòng tin, ở giá trị của sự được tin cậy giao phó và cùng với nó là sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, và đề cao vai trò tham gia quản lý xã hội của các tổ chức xã hội, đoàn thể. quần chúng. Ngoài ra, việc không còn giới hạn mục đích của hành vi tham nhũng trong phạm vi “vì mục đích cá nhân”, mà mở rộng thành “đạt được những lợi ích không chính đáng” cũng giúp pháp luật dễ dàng nhận diện, thâu tóm được hầu hết các hình thức tham nhũng ngày càng tinh vi, hiện đại.
Tóm lại, tham nhũng là một hiện tượng xuất hiện, phổ biến trên phạm vi rộng khắp, bao trùm các lĩnh vực, lan tràn từ Đông sang Tây, từ khu vực công đến khu vực tư với tính chất, mức độ khác nhau tùy theo từng quốc gia. Điều này tạo nên sự đa dạng trong phương hướng tiếp cận hiện tượng tham nhũng. Mỗi góc độ tiếp cận, từ pháp luật đến đạo đức, từ chiết tự đến từ nguyên học, đều góp phần cung cấp một góc nhìn đầy đủ hơn về hiện tượng có tính chất phổ biến này. Nhận diện về hiện tượng tham nhũng đã khó, đưa ra một định nghĩa chung, thống nhất về tham nhũng lại càng khó hơn. Tuy nhiên, trong sự xem xét nghiêm túc, cẩn trọng, có thể đưa ra một số dấu hiệu chung nhất để nhận diện, xác định hiện tượng này:
- Là hành vi của người được tin cậy giao phó nhiệm vụ (công hoặc tư tùy phạm vi nghiên cứu);
- Có tính chất lệch chuẩn (vi phạm chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực đạo đức, niềm tin tôn giáo...);
- Mục đích không chính đáng.
[1] Raymond Wacks: Triết học luật pháp, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2011, Chương 1.
[2] Samuel P. Huntington: Political Oder in Changing Societies, Yale University Press, 1968, tr.59.
[3] Từ điển Black’s Law ấn bản điện tử, mục từ “Corruption”, URL: http://blacks.worldfreemansociety.org/.
[4] Từ điển Hán Việt ấn bản điện tử, mục từ “Tham”, URL: http://hanviet.org/.
[5] Từ điển Hán Việt ấn bản điện tử, mục từ “Nhũng”, URL: http://hanviet.org/.
[6] Điều 277 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[7] Khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012
[8] Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI): What is the Corruption and How Does the CPI Measure It? URL: http://www.transparency.org/cpi2011/in_detail.