1. Chính sách thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật Việt Nam là những doanh nghiệp có sử dụng nhân lực thường xuyên từ 10 người đến dưới 50 người với số vốn đầu tư tùy từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể được quy định tại Nghị định số 562/2009/NĐ-CP và cũng đang được các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguồn vốn của doanh nghiệp được huy động từ vốn của chủ sở hữu và vốn vay, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay nên nguồn lực tài chính để tái đầu tư và phát triển của doanh nghiệp cũng bị hạn chế, không thể phát triển mở rộng được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ nghĩa vụ thế đối với nhà nước bởi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn chủ sở hữu. Vì vậy, việc nghiên cứu giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là một giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Có thể thấy, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chính sách thuế là một chính sách quan trọng trong giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách làm của các nước phát triển trên thế giới đã và đang xây dựng hệ thống chính sách thuế hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc đưa ra tiêu chí và phân loại doanh nghiệp để giảm tần suất kê khai thuế trên cơ sở số lượng lao động mà doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng thường xuyên cũng như tổng số vốn mà doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nghĩa vụ kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý phải được xác định ngày đầu tháng 2 hàng năm trên cơ sở số liệu về tổng nguồn vốn của doanh nghiệp được gửi đến cơ quan thuế chậm nhất là 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính. Ngoài ra, việc báo cáo số liệu về tài chính cũng liên quan đến quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như năng lực, trình độ của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Việc phân chia doanh nghiệp theo quy mô vốn nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng và thương mại và dịch vụ là quá rộng, không phù hợp với phân loại mã ngành kinh tế đang được cơ quan thuế sử dụng. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh đa ngành thì việc xác định quy mô vốn theo ngành cũng rất phức tạp. Ngoài ra, tiêu chí phân loại doanh nghiệp khắc nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan thuế áp dụng hiện nay là không hiệu quả. Chính vì vậy, cần phải xây dựng hệ thống tiêu chí riêng để phân loại người nộp thuế phục vụ cho mục tiêu quản lý thuế và việc nghiên cứu phân loại doanh nghiệp theo tiêu chí doanh thu khi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết.
2. Định hướng hoàn thiện chính sách thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Căn cứ vào tình hình thực hiện chính sách thuế cho các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị về định hướng hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là thời điểm sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới cùng với việc nhà nước triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đều đưa ra các vấn đề về thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế xuất-nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế TNCN, thuế TNDN, thuế tài nguyên, thuế nhà đất nhằm mục tiêu phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó đáng chú ý là định hướng hoàn thiện thuế GTGT và thuế TNDN.
Đối với thuế giá trị gia tăng cần điều chỉnh theo hướng giảm các loại thuế suất hiện nay xuống hai loại thuế suất là 0% và 7% do các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, việc giảm số lượng đối tượng không chịu thuế GTGT nhằm tạo sự liên hoàn trong việc khấu trừ và hoàn thuế cũng cần được nghiên cứu điều chỉnh. Ngoài ra, phương pháp tính thuế GTGT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ cũng được điều chỉnh theo hướng đơn giản.
Đối với công tác quản lý thuế cần điều chỉnh theo hướng giảm chi phí tuân thủ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các quy định kê khai thuế điện tử, hoàn thiện quy trình hỗ trợ để giải quyết những vướng mắc về thuế, rút ngắn thời gian giải quyết hoàn thuế, khiếu nại về thuế.
Các giải pháp thực hiện được đề xuất gồm có: nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ quản lý thuế, sớm hoàn thành và đưa vào áp dụng phần mềm quản lý thuế…
Các giải pháp liên quan đến định hướng hoàn thiện chính sách thuế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhà nước cần được nghiên cứu và đưa ra những đề xuất phù hợp với cơ chế tài chính tránh kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để đảm bảo nguồn thu ngân sách, đảm bảo tính công bằng, đơn giản và khuyến khích đầu tư phát triển, v.v…cần phải xây dựng nhiều mục tiêu cho hệ thống thuế. Cần lưu ý rằng, các mục tiêu sẽ có có sự mâu thuẫn lẫn nhau nên cần phải nghiên cứu sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các mục tiêu cần đạt được. Việc hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc về quản lý thuế theo hướng sau:
Thứ nhất, cần phân loại các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa để thiết lập các quy định riêng về thuế, áp dụng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp. Việc áp dụng hệ thống thuế chuẩn sẽ tạo gánh nặng chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, về chi phí tuân thủ thuế tỷ lệ nghịch với qui mô doanh nghiệp, bởi các các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều phân đoạn khác nhau, với những đặc thù riêng.
Thứ hai, loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu là kinh doanh bán lẻ, cung cấp dịch vụ lưu động có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cần được ưu tiên miễn thuế vì vậy thu thuế đối với những người nộp thuế này sẽ không chỉ tạo ra gánh nặng thuế cho họ mà còn tạo ra gánh nặng chi phí quản lý thuế. Mặt khác, số thuế thu được của loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ là rất thấp nên điều đó có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nếu chi phí quản lý quá cao.
Thứ ba, cần áp dụng hình thức khoán thuế đối với những doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng có thu nhập trên mức kiếm sống nhưng không có tư cách pháp nhân. Việc khoán thuế sẽ giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp và chi phí quản lý thuế. Cũng cần áp dụng mức khoán thuế theo chỉ tiêu đối với một số loại hình kinh doanh dễ che giấu doanh thu như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, kinh doanh vận tải v.v…
Thứ tư, cần áp dụng chế độ kế toán và cách tính thuế đơn giản, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hệ thống thuế chuẩn cần cho phép doanh nghiệp lựa chọn phương pháp kê khai nộp thuế đối với các loại hình doanh nghiệp nhỏ có tư cách pháp nhân.
Thứ năm, cần hoàn thiện chính sách thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng ưu tiên hàng đầu về tính đơn giản của hệ thống thuế phù hợp với trình độ quản lý và giảm thiểu chi phí quản ý thuế. Những qui định về thuế không phù hợp với trình độ quản lý hiện nay của Việt Nam sẽ thiếu tính khả thi tạo ra gánh nặng chi phí quản lý, làm giảm hiệu quả của hệ thống thuế.
Thứ sáu, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, tránh ảnh hưởng với hoạt động của bộ hành chính, phá vỡ tính công bằng trong hệ thống thuế, tạo sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các loại hình doanh nghiệp khác.
Thứ bảy, cần có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng lộ trình tham gia vào hệ thống thuế chuẩn mực thông qua việc thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn chứng từ. Đây không chỉ giúp cơ quan quản lý thuế giám sát tốt hơn hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả quản lý của doanh nghiệp mình.