Xét về quy luật của tăng trưởng kinh tế của những quốc gia có thu nhập thấp, có cơ cấu sản xuất với mức độ chuyên môn hóa rất cao. Khi mức thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia tăng lên, đa dạng hóa theo khu vực tăng lên tương ứng. Khi thu nhập đầu người tiếp tục tăng lên, xu hướng đa dạng hóa này lại giảm đi, và sau một điểm ngoặt (turning point) - ở mức thu nhập rất cao, các khu vực lại chuyên môn hóa/tập trung hóa trở lại. Như vậy, mối quan hệ giũa tập trung hóa/đa dạng hóa xuất khẩu và GDP đầu người tồn tại ở dạng phi tuyến (U-curved), theo đó chuyên môn hóa và đa dạng hóa xảy ra ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển. Hai quá trình này không những không mâu thuẫn mà còn bổ sung cho nhau, đều là những giai đoạn tất yếu và trọng yếu trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Thông qua các mối liên kết thượng nguồn và hạ nguồn, mở rộng các lĩnh vực hiện có và kích thích phát triển các lĩnh vực mới, đa dạng hóa tạo tiền đề cho quá trình tái tập trung khi thu nhập bình quân vượt “ngưỡng”. Sự tái tập trung này không đồng nghĩa với chuyên môn hóa vào nhóm sản phẩm ban đầu, mà sẽ hướng vào mở rộng phạm vi lợi thế so sánh, phát triển những sản phẩm “mới” phức tạp hơn, có giá trị gia tăng cao hơn, có ảnh hưởng lan tỏa và mang lại các hiệu ứng động lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu cái gì cũng có tầm quan trọng không kém so với xuất khẩu bao nhiêu. Các loại hàng hóa khác nhau, mức độ chuyên môn hóa/đa dạng khác nhau sẽ có hiệu ứng khác biệt tới tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên xuất khẩu mặt hàng này hay mặt hàng khác, chuyên môn hóa hay đa dạng hóa ở mức độ nào còn tùy thuộc vào mục tiêu phát triển của từng quốc gia, trong từng giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, việc khái quát vai trò của xuất khẩu trong phát triển kinh tế cần được xem xét một cách khái quát về vai trò của xuất khẩu trong tăng trưởng kinh tế
1. Tăng trưởng kinh tế về mặt lượng
Một trong những thành tựu cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam là luôn đạt và duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao. Những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của nước ta trong hơn thập kỷ qua là rất đáng tự hào, cả trong so sánh với giai đoạn trước đổi mới của Việt Nam cũng như trong so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
So với các thời kỳ 1976-1985 đạt khoảng 2%/năm, 1986-1990 đạt xấp xỉ 3,9%/năm, thì tốc độ tăng trưởng bình quân năm thời kỳ 1991-1995 đạt 8,2%, 1996-2000 đạt 6,7%, 2001-2005 đạt 7,5% và 2006-2012 đạt khoảng 6,5% là rất ấn tượng. Tính chung cả giai đoạn 1986-2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,2%. Tăng trưởng kinh tế cao giai đoạn này là kết quả của các chương trình cải cách hướng vào cải tổ cơ cấu kinh tế, bao gồm thúc đẩy phát triển khu vực ngoài quốc doanh và cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vừa huy động được tiết kiệm trong dân cư, vừa tạo động lực cạnh tranh trong nền kinh tế. Trở thành thành viên chính thức của WTO là thành công khá ấn tượng trên phương diện hội nhập kinh tế, thúc đẩy làn sóng thương mại và đầu tư tăng đột biến vào năm 2007, 2008! Từ cuối năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, kinh tế Việt Nam không chỉ suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế mà đã bộc lộ rõ những yếu kém và bất ổn. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối cao trong mối quan hệ so sánh với nhiều nước trên thế giới, chỉ thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân năm của Trung Quốc trong thời gian tương ứng. Hơn thế, thời gian tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam đến nay đã đạt 25 năm, vượt kỷ lục 23 năm của Hàn Quốc, và cũng chỉ thua kỷ lục 27 năm mà Trung Quốc đang nắm giữ.
Mặc dù nền kinh tế đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng thăng trầm, nhưng nhìn chung, nhịp độ tăng trưởng cao và khá ổn định, ngoại trừ năm 1999, tất cả các năm còn lại đều có tốc độ tăng trưởng trên 5%. Nhờ đó, quy mô GDP của Việt Nam tăng nhanh chóng, năm 2014 đã gấp hơn 4 lần năm 1990. GDP bình quân đầu người năm 1995 mới là 289 USD/người/năm; năm 2005 đạt 700 USD/người/năm thì đến năm 2014 đạt 1.749 USD/người/năm, Việt Nam cũng đã thoát khỏi ngưỡng thu nhập của các nước nghèo, kém phát triển và chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình của thế giới kể từ năm 2010.
2. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được đánh giá thông qua một số chỉ tiêu cơ bản gồm năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) và đóng góp của TFP.
Một là, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới. Xem xét ở góc độ tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động của Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực, tăng liên tục 1986 tới nay, với tốc độ tăng tương đối cao so với một số nước ASEAN. Giai đoạn 1995-2012, khi tốc độ tăng năng suất lao động của các nưốc ASEAN là 2,2%/năm thì của Việt Nam tăng trung bình 4,7%/năm. Giai đoạn 2005 - 2014, năng suất lao động tăng trung bình 3,7%/năm. Tuy nhiên, về mặt tuyệt đối, Việt Nam vẫn là quốc gia có năng suất lao động thấp. Hiện nay, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapo; bằng 1/6 của Malayxia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Khu vực chế biến, chế tạo vốn được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng năng suất của Việt Nam thì mức năng suất này còn thấp hơn nữa...
Bảng: So sánh năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực
2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | |
Đóng góp vào Tăng trưởng GDP theo điểm phần trăm |
8,44 | 8,23 | 8,46 | 6,31 | 5,32 | 6,78 | 5,89 | 5,03 |
Tổng tích lũy tài sản | 3,97 | 4,31, | 10,10 | 2,77 | 1,90 | 4,54 | -4,14 | -6,67 |
Tiêu dùng cuối cùng | 5,29 | 5,96 | 7,58 | 6,68 | 2,64 | 7,50 | 3,53 | -0,18 |
Xuất khẩu ròng | 1,57 | -1,56 | -13,23 | ; -3,24 | 1,70 | -2,15 | 6,19 | 13,11 |
Xuất khẩu | 4,97 | 8,94 | 15,25 | 3,57 | 7,74 | 11,35 | 9,09 | 3,01 |
Nhập khẩu | 3,40 | 10,49 | 28,48 | 6,81 | 6,04 | 13,50 | 2,90 | -10,10 |
Sai số | -2,38 | -0,49 | 4,01 | 0,11 | -0,91 | -3,11 | 0,29 | -1,23 |
Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ APO 2014.
Trong khi đó, ngành công nghiệp khai thác có năng suất lao động cao nhất lại là ngành khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn và sử dụng ít lao động. Năng suất tăng lên chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu tĩnh, tăng năng suất nội bộ ngành, nguồn tiềm năng và bền vững của tăng trưởng năng suất trong dài hạn còn hạn chế. Đó thật sự là điều đáng lo ngại, xét từ khía cạnh hiệu quả và chất lượng của tăng trưởng ngành còn thấp.
Hai là, tăng trưởng kinh tế cao của nước ta trong suốt giai đoạn qua gắn liền với tăng mạnh vốn đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư rất thấp. Trung bình giai đoạn 2001-2014 tỷ lệ đầu tư so với GDP đạt gần 40%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với một số NICs trong thập kỷ 1960-1980, Trung Quốc và một số nước trong khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao trong vài thập kỷ gần đây. Ví dụ, trong thập kỷ 1961-1980, tỷ lệ đầu tư trên GDP của Hàn Quốc trung bình đạt 23,3%, của Đài Loan 26,25%, nhưng họ vẫn đạt tốc độ tăng GDP trung bình tương ứng 7,9% và 9,7% hằng năm. Trong giai đoạn 2001-2006, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam trung bình hằng năm đạt 37,2%, gần bằng mức 38,8% của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đạt tăng trưởng GDP trung bình 9,7% hằng năm, trong khi nước ta chỉ là 7,6%.
Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, thể hiện ở xu hướng gia tăng hệ số ICOR theo các năm, đang là một nút thắt trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tính trung bình hệ số này ở mức 5,75 trong giai đoạn 2001- 2010, cao hơn nhiều so với các giai đoạn 1991-2000 và cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới: đối với một nước đang phát triển, hệ số ICOR ở mức 3 lần đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, So sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi, có nghĩa là hiệu suất đầu tư chỉ bằng một nửa. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao lại được cộng hưởng bởi xu thế tăng mạnh của hệ số ICOR là khó khăn “kép” với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đang dần được cải thiện. Hệ số ICOR bình quân thời kỳ 2011-2013 ở mức 5,5, thấp hơn so với mức 6,2 ở thời kỳ 2006-2010.
Ba là, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) còn hạn chế và có xu hướng giảm. Thời gian qua, yếu tố đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP của Việt Nam là nguồn lực vật chất và đang có xu hướng tăng lên. Đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng chiếm tỷ lệ thấp và lại có xu hướng giảm sút nhanh trong giai đoạn 2001-2012. Trong giai đoạn 1990-2000, 44% tăng trưởng GDP là do yếu tố TFP. Đến giai đoạn 2001-2012, phần đóng góp của TFP giảm xuống chỉ còn trên 25%, có năm đóng góp của yếu tố này có giá trị âm. Nhìn chung, đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Việt Nam thấp xa so với mức 35 - 40% của một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực: Hàn Quốc là 32,2%; Đài Loan là 35%; Inđônêxia là 28%; Thái Lan là 36%; các nước phát triển 60-75%.
TFP tiếp tục xu hướng suy giảm trong năm 2012. Điều này đúng với thực tiễn khi tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 tiếp tục giảm so với mức tăng trưởng năm 2011. Đáng chú ý là tăng trưởng TFP năm 2012 rất thấp. Điều này chứng tỏ năm 2012, Việt Nam không hề cải thiện được nhiều về năng suất nói chung của nền kinh tế, tăng trưởng GDP vẫn chủ yếu đến từ hai yếu tố đầu vào cơ bản là vốn và lao động. Vai trò hạn chế của TFP đối với tăng trưởng là một rào cản lớn cho việc nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, nhất là đến khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và khả năng khai thác triệt để các tiềm năng của đất nước. Mặc dù vậy, TFP đang cho thấy xu hướng biến động tích cực trong hai năm trở lại đây. Theo số liệu của Trung tâm Năng suất Việt Nam, phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2013 và năm 2014 đã đạt mức tương ứng 32,5% và 36,8% gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Có thể nói, bức tranh chung về xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho thấy thành tựu lớn nhất thể hiện ở quy mô và tốc độ tăng trưởng. Xét ở khía cạnh chất lượng, còn khá nhiều hạn chế không dễ khắc phục trong ngắn hạn.