Thứ ba, 25 Tháng 2 2014 04:46

Một số kết quả về tái cơ cấu thời gian qua

“Tái cơ cấu” là một thuật ngữ khá phổ biến trong những năm gần đây, thuật ngữ được nhắc nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các diễn đàn kinh tế, các báo cáo của cơ quan Nhà nước có liên quan.

Về tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả rõ nét. Trong những năm qua tỷ trọng đầu tư trên GDP đã giảm đáng kể từ 39% của giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn hơn 33% năm 2011 và 30,5% năm 2012. Tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế năm 2010 là 136% đã giảm xuống còn 121% năm 2011 và 108% năm 2012. Số vốn đầu tư Nhà nước không tăng trong ba năm gần đây, tỷ trọng đầu tư Nhà nước giảm xuống còn khoảng 37% trong 9 tháng đầu năm 2013 so với 39% của giai đoạn 2006 - 2010. Ý thức trách nhiệm và kỷ cương Nhà nước trong quản lý đầu tư công đã được cải thiện đáng kể, số vốn phân bố cũng đã tập trung hơn.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp mà trọng tâm là tập trung sắp xếp, cổ phần hoá các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các tổng công ty thuộc Nhà nước trong thời gian qua được Đảng và lãnh đạo Nhà nước quan tâm đúng mức, triển khai thực hiện song song cùng quá trình đổi mới đất nước. Qua quá trình đổi mới hơn 20 năm, hệ thống doanh nghiệp Nhà nước nhiều nơi đã được điều chỉnh hợp lý hơn về cơ cấu.

Trong lĩnh vực tài chính - tín dụng, từ sau công cuộc đổi mới năm 1986, thị trường tài chính và tín dụng nước ta đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Nhà nước dần dần bớt can thiệp vào thị trường bằng các công cụ hành chính, thay vào đó là các công cụ mang tính định hướng được sử dụng phổ biến nhằm xây dựng nền tảng và năng lực của thể chế điều hành một cách vững chắc. Từ năm 2000 trở đi năng lực cạnh tranh và quá trình phát triển của thị trường tài chính đã có nhiều cải thiện nổi bật về thể chế và chính sách điều hành thị trường, khả năng huy động và phân bố nguồn lực hợp lý nhờ đó tạo nên những tác động tích cực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Sự lớn mạnh cả về quy mô lẫn năng lực của các Ngân hàng thương mại trong thời gian qua đánh giá một sự thay đổi tích cực trong cấu trúc thị trường tài chính ở Việt Nam.

Việc tái cơ cấu đầu tư công trong thời gian qua về cơ bản còn mang nặng tính tình thế và ngắn hạn, các giải pháp đưa ra chủ yếu để giải quyết những thực trạng tức thời, không có tính ổn định lâu dài. Những vấn đề yếu kém trong nội bộ nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao gây những gây cản trở nền kinh tế. Chính sách chi Ngân sách Nhà nước chưa được triển khai đúng hướng, đúng đối tượng. Quá trình tái cơ cấu đầu tư công tuy có gặt hái được thành quả nhưng nhìn chung diễn ra còn chậm, các thể chế liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công như Luật Quy Hoạch, Luật Đô thị, Luật Quản lý, sửa dụng Ngân sách và sản xuất kinh doanh, Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, Luật Đầu tư công... còn chậm được ban hành.

Về thị trường tài chính - tiền tệ, trong bối cảnh diễn biến kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động đáng kể thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian dài để duy trì mục tiêu tăng trưởng vẫn chưa được chú ý điều chỉnh kịp thời. Một số các công cụ điều hành chính sách tiền tệ đã tỏ ra khá lạc hậu và lỗi thời, không mang lại tính tối ưu cao đã gây ra một số tác động tiêu cực trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Ngoài ra, sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách tiền tệ và các chính sách về kinh tế vĩ mô vẫn chưa được thực hiện thực sự có hiệu quả.

Các thành phần tồn tại trong thị trường tài chính Việt Nam có mức độ phát triển không tương đồng, lại thêm không có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần này để tạo thành một thị trường tài chính bền vững gây khó khăn cho việc thu hút và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả cho nền kinh tế, sau khi Việt Nam gia nhập WTO sự khác biệt về trình độ phát triển của các thành phần trong thị trường tài chính càng lộ rõ.

Kết quả thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua cũng còn tồn tại khá nhiều bất cập. Đầu tiên phải nói đến đó là vấn đề nhận thức có phần sai lệch về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Chức năng kinh tế của doanh nghiệp Nhà nước trong cơ chế thị trường cũng như sự phân vai của Nhà nước và thị trường trong quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế nhiều khi chưa được xác định rõ ràng. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay tuy nhận thức về vai trò, chức năng của doanh nghiệp Nhà nước có phần nào được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại tư duy xem doanh nghiệp Nhà nước như một lực lượng vật chất của Nhà nước, đóng vai trò giúp Nhà nước điều tiết và quản lý thị trường vẫn là hạn chế đáng kể tạo trở ngại cho quá trình tái cơ cấu.

Định vị vai trò và thu hẹp phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.Đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước mà Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu. Thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh đối với từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; đẩy nhanh thực hiện nguyên tắc thị trường, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh mũi nhọn, tiến hành thoái vốn đối với các ngành nghề kinh doanh mang tính dàn trải.

Tiến hành áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ chung của thị trường. Đổi mới, phát triển các hình thức quản trị các doanh nghiệp và tập đoàn Nhà nước. Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính Nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục cũng như giảm chi phí đăng ký kinh doanh. Loại bỏ bốn thủ tục gia nhập thị trường sau đăng ký, gồm thủ tục đăng báo, thủ tục đăng ký lao động, đăng ký công đoàn và đăng ký bảo hiểm. Việc mở tài khoản ngân hàng có thể kết hợp và lồng với đăng ký kinh doanh. Bỏ yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Về tái cơ cấu đầu tư công cần phải thay đổi chính sách phục hồi tăng trưởng theo hướng “trọng cung” nhằm tối ưu hóa các giải pháp cải cách, thay đổi phía cung theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Thiết lập quy trình thống nhất thẩm định, lựa chọn, phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm lựa chọn được dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Thay đổi vai trò của chính quyền địa phương, đổi mới phân cấp trung ương - địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải luôn song hành với hoạt động điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính nhằm đồng bộ hoá trình độ và mức độ phát triển của các nhân tố cấu thành thị trường thành một thể thống nhất, qua đó cụ thể hoá các mục tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ. Ngoài ra, ngân hàng Nhà nước cần phải phát huy tốt vai trò điều hành thị trường, cần xây dựng những hoạch định mang tầm chiến lược, có tính khả thi và tính thuyết phục cao nhằm tạo lập một hệ thống tài chính lành mạnh, môi trường cạnh tranh bình đẳng và hệ thống thông tin minh bạch, qua đó giúp thị trường phát triển ổn định hơn.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 04:20

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành