Thứ ba, 25 Tháng 2 2014 05:02

Kinh tế Quốc tế và những vấn đề đặt ra

Từ sau giai đoạn đổi mới (1986), Việt Nam đã thực hiện một loạt quá trình nhằm hội nhập kinh tế quốc tế, các chính sách giảm thuế nhập khẩu, dở bỏ hàng rào thương mại, tham gia các tổ chức kinh tế và các liên minh thuế quan trong khu vực và trên thế giới là một bước tiến lớn của Việt Nam trong cơ cấu thương mại quốc tế. Các loại thuế nhập khẩu được giảm đáng kể như thuế nhập khẩu bình quân đơn giản đạt mức 9,8% trong năm 2010, đối với các nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp thuế nhập khẩu cũng đã được cắt giảm để phù hợp với các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đối với khu vực ASEAN, Việt Nam thực hiện cam kết CEPT giai đoạn 2008-2013 nhằm cắt giảm thuế suất đối với một số ngành sản phẩm, cụ thể bao gồm 1600 nhóm sản phẩm thuộc các ngành hải sản, dệt may, công nghệ thông tin nhằm đưa mức thuế nhập khẩu của các sản phẩm thuộc nhóm ngành này về mức 0% trong năm 2012. Từ 20% giảm xuống còn từ 5%-10% là mức giảm đối với một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm, khoảng 600 dòng thuế với các nhóm hàng nhạy cảm sẽ giảm về mức MFN vào giai đoạn 2015-2018 là động thái của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết ASEAN - Trung Quốc. Cũng theo cam kết này, 3700 dòng thuế thuộc 8900 dòng thuế trong bảng MFN sẽ được Việt Nam đưa về mức thấp hơn 5% so với mức thuế MFN. Việc sử dụng hạn ngạch thuế quan dần dần thay thế cho hạn ngạch tuyệt đối được thực hiện trong các biện pháp phi thuế quan và hạn ngạch xuất nhập khẩu nhằm xoá bỏ hoàn toàn hạn ngạch tuyệt đối trong năm 2015.

Việc mở cửa thị trường, thông thương ra thế giới bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức do vậy để bình ổn kinh tế vĩ mô và bảo hộ sản xuất trong nước, các biện pháp xây dựng hàng rào kỹ thuật (TBTs), giấy phép về vệ sinh dịch tễ (SPSs) dưới dạng giấy phép nhập khẩu được thực hiện thường xuyên hơn.

Từ những thay đổi, cải cách cho nền kinh tế mở cửa, tự do hoá thương mại, phát triển kinh tế thị trường trong hơn một thập niên qua cho thấy những thành quả đáng ghi nhận của quá trình đổi mới. Kim ngạch xuất khẩu trong nước có mức tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu/GDP tăng lên 80,9% so với mức 46% của năm 2001 nhờ đó giá trị thương mại/GDP tăng lên đạt mức 161,63% từ mức 100%, thể hiện chính sách mở cửa đang đi đúng hướng và có những bước tiến vượt bậc so với một số nước trong khu vực.

Chủ trương nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế được Chính phủ khá chú trọng khi đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2013-2020 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, Đề án này còn nhằm hướng tới các mục tiêu tích cực khác như nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp. Đối với các mặt hàng công nghiệp và công nghệ cao việc nâng cao năng lực cạnh tranh được thực hiện thông qua 80 chiến lược phát triển nhằm quy hoạch tổng thể các ngành công nghiệp với nội dung và chính sách cụ thể cho từng giai đoạn. Từ những biện pháp trên trong năm 2013 xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) Việt Nam đã vọt lên vị trí 14 so với vị trí 58 trong năm 2009.

Từ chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế, một lượng lớn hàng hoá quốc tế được giảm thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ đó làm nhập khẩu tăng đột biến, trước năm 2011 tốc độ nhập khẩu tăng vọt cụ thể vào năm 2003 nhập siêu đạt mức 12,9% GDP, đến năm 2008 đạt gần 20% GDP gây thâm hụt tới 14,1 tỷ USD cho nền kinh tế. Đến năm 2011 giá trị nhập siêu giảm còn 8% GDP và đến 2012 Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu trong vòng 20 năm với giá trị xuất siêu đạt 0,2% GDP tương đương 284 triệu USD nhưng nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế, tiêu dùng trong nước suy giảm làm giảm tốc độ nhập khẩu chứ không phải là do kim ngạch xuất khẩu tăng.

Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn chưa cân bằng, trong khi Việt Nam xuất khẩu phần lớn dựa vào tài nguyên khoáng sản, chưa đầu tư được hàm lượng công nghệ cao thì nhập khẩu của Việt Nam đa phần là các trang thiết bị, máy móc tiên tiến, dụng cụ và nguyên nhiên vật liệu công nghệ cao. Điều này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ngoài nông sản thì không có dấu hiệu bền vững (vì dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản có sẵn), hàng hoá xuất khẩu thì hàm lượng công nghệ thấp trong khi một số nước trong khu vực đã có dấu hiệu tăng tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao lên tới 30%, vì vậy làm ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu giảm dần tỷ trọng các ngành thô hoặc mới sơ chế (từ 70% tỷ trọng năm 1995 giảm còn 40% tỷ trọng nắm 2010), nhưng nhìn chung so với các nước trong khu vực hoặc Trung Quốc thì hàng hoá xuất khẩu Việt Nam vẫn còn thiên về các mặt hàng thô sơ hoặc mới sơ chế. Tuy tạo ra thặng dư trong các ngành sản phẩm sử dụng công nghệ thấp nhưng lại bị thâm hụt thương mại đối với các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, trong những năm gần đây tỷ tọng của các ngành sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam chỉ đạt 20% và không có dấu hiệu tăng thêm, điều này đã khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tụt hậu so với Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Như vậy quá trình chuyển dịch cơ cấu và chất lượng công nghệ của các sản phẩm chế tạo xuất khẩu nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ và năng lực cạnh tranh vẫn chưa có chuyển biến khởi sắc.

Về công nghiệp phụ trợ và phát triển chế tạo sản xuất trong nước, Chính phủ cũng có các động thái tích cực như ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2011 hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hoặc Quyết định số 34/2007 của Bộ Công Thương về quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2010 tầm nhìn 2020 nhưng kết quả còn khá hạn chế. Trong năm 2013 chỉ có khoảng 1000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ, ngoài ra còn bị các doanh nghiệp lớn của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… tham gia đầu tư vào Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Lĩnh vực công nghiệp phụ trợ công nghệ cao của Việt Nam trong nhiều năm nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá lạc hậu, chủ yếu dựa vào lắp ráp chứ chưa trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Hội nhập kinh tế quốc tế, dở bỏ các hàng rào thuế quan bao gồm cả cơ hội và thách thức, lợi ích trước mắt là người tiêu dùng được tiếp xúc và sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới nhưng cũng chính vì vậy mà gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp nội địa vì va phải sự cạnh tranh lớn từ những doanh nghiệp nổi tiếng và có tiềm lực mạnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy cẩn phải có giải pháp để cân bằng cán cân thương mại, làm sao vẫn đáp ứng được các cam kết với quốc tế nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước phát triển.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề bức thiết là phải đổi mới công nghệ, tích cực chuyển giao công nghệ để áp dụng được các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nhóm doanh nghiệp này có đủ khả năng đổi mới công nghệ sản xuất thông qua xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thường xuyên cập nhật công nghệ tiên tiến, thực hiện giải pháp đi tắt đón đầu, tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cung cấp thông tin đẩy đủ, kịp thời và chính xác về các công nghệ hiện đại trên thế giới thông qua hệ thống thông tin công nghệ từ đó doanh nghiệp có thể tự điều chỉnh lựa chọn cho mình công nghệ mới phù hợp với khả năng mà không gây lãng phí.

Các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn Ngân sách Nhà nước nên chưa kích thích được tính tự giác nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu mới, cần phải tái cơ cấu, cổ phần hoá các trung tâm này nhằm khơi dậy tính sáng tạo, phát triển tư duy công nghệ áp dụng vào thực tế các doanh nghiệp Việt Nam tránh tình trạng nhập khẩu công nghệ tràn lan như bây giờ. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề cho người lao động, thường xuyên tập huấn để người lao động có cơ hội tiếp xúc với máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Về đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nghiêm túc nghiên cứu thật kỹ phân khúc thị trường cũng như chiến lược về mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp mình từ đó tạo ra một sản phẩm chủ lực và là thế mạnh của mình để phát triển trên thị trường thế giới. Một điều quan trọng nữa là phải đổi mới phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm để phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình. Nhận thức rõ giữa cạnh tranh và hợp tác, tăng cường hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, liên kết chặt chẽ với các tổ chức, hiệp hội về ngành hàng của mình sản xuất, tích cực tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại.

Về phía Chính phủ và các nhà quản lý cần có tầm nhìn chiến lược và khả năng phân tích, dự báo tình hình từ đó đưa ra những chính sách điều hành đúng đắn để phát triển kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà quản lý cần liên kết chặt chẽ với nhau để tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 04:13

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành