Thứ tư, 24 Tháng 5 2017 03:35

Tổng quan về hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

1. Quy mô và tốc độ trưởng xuất khẩu hàng hoá

Kể từ khi tiến hành đổi mới đến nay, cùng với đà hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tích ngoạn mục về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt giai đoạn 2000-2012 có thể coi là giai đoạn ghi dấu những “kỷ lục” xuất khẩu của Việt Nam. Về quy mô, nếu năm 1986 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa còn dưới 1 tỷ USD thì năm 2012 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đã đạt 114,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi “đổi mới”, cao gấp hơn 145 lần so với năm 1986 và gấp gần 8 lần kim ngạch xuất khẩu năm 2000.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng thuộc loại cao trong với khu vực và thế giới. Giai đoạn 2010- 2012, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng dương ở mức bình quân 19,9% ( ngoại trừ năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu) gần gấp 3 lần mức tăng bình quân 7% của GDP. Mặc dù trong bối cảnh vẫn còn những hệ lụy của sự suy giảm kinh tế xuất khẩu năm 200-2012 vẫn lập được “ hai kỷ lục” kỷ lục về tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào năm 2011, và kỷ lục về quy mô xuất khẩu năm 2012. Những kết quả vượt trội này đã  giúp Việt Nam thu hẹp dần mức thâm hụt thương mại vốn được coi là trầm trọng và dai dẳng trong nhiều năm. Năm 2012 cũng đánh dấu sự kiện sau 20 năm liên tục thâm hụt,Việt Nam đã đạt được thặng dư trong cán cân thương mại.

 mh1

Những nỗ lực tự do hóa thương mại và thực thi các cam kết hội nhập là một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu gia tăng mạnh trong những năm gần đây, trong đó phải kể đến một số dấu mốc quan trọng như: (i) Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết tháng 7-2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 11-12-2001 đã mỏ ra cánh cửa cho hàng xuất khẩu Việt Nam tiếp cận với thị trường lớn nhất thế giối này; (ii) Việt Nam chính thức trỏ thành thành viên của WTO từ tháng 1-2007, khiến xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp đạt các mức kim ngạch cao vào các năm 2007 và 2008. Xuất khẩu hàng hóa cũng cho thấy khả năng “chống đỡ” khá tốt trước các cú sốc từ thị trường quốc tế. Mặc dù khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ giữa năm 2008 đã có tác động tiêu cực, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm năm 2009, nhưng từ năm 2010 xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự báo, tiếp tục duy trì được quy mô và tốc độ tăng trưởng cao.

2. Thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam

Một trong những thành công trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2000-2014 là việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Số lượng thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh, từ 160 thị trường năm 2000 lên hơn 230 thị trường năm 2010. Trong gần 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, năm 2014, có tới 28 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đang cho thấy mức độ đa dạng hóa cao, là một điểm mạnh giúp hoạt động xuất khẩu phân tán được rủi ro không mang tính hệ thống, bảo vệ hàng xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Trong nghiên cứu của Albaladejo, mức độ đa dạng hóa thị trường của Việt Nam được tính điểm rất cao, xếp thứ 2 trong khu vực, đứng trước Hàn Quốc, Inđônêxia, Thái Lan và chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam vẫn duy trì được cơ cấu thị trường xuất khẩu khá phù hợp với nguồn hàng tương đối ổn định đến các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN. Cho đến nay, EU và Mỹ tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất của Việt Nam, sau đó là ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2014, nhóm 5 thị trường này chiếm tới 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Riêng với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng gần 20 lần trong hơn 10 năm qua, từ 1,0 tỷ USD năm 2001, lên 10,6 tỷ USD năm 2010 và tăng mạnh lên mức 28,7 tỷ USD năm 2014, đưa thị phần của thị trường này tăng từ 7,1% năm 2001 lên 19,1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014. Trước sự lớn mạnh của thị trường Mỹ, hầu hết các thị trường khác (trừ Trung Quốc) đều co lại về tỷ trọng nhưng khá đồng đều. 

Hình 2.2: Cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam

mh2

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phát triển theo chiều rộng hơn là theo chiều sâu, sự chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ yếu mang tính thích ứng với sự thay đổi tình hình, mà chưa được quy hoạch trên một tầm nhìn dài hạn. Kim ngạch xuất khẩu vào một thị trường thường gia tăng mạnh sau khi Việt Nam ký kết hiệp định hoặc thỏa thuận thương mại tự do/ưu đãi, nhưng khả năng tổ chức mạng lưới phân phối, duy trì vị thế và nâng cao giá trị gia tăng trên các thị trường này còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến tính bền vững trong dài hạn. Mặc dù Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu của các nước này. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc chỉ chiếm lần lượt 1,33%; 1,88%; xấp xỉ 1,02% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước này. Do vậy, những thị trường này còn rất giàu tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu.

3. Xuất khẩu theo khu vực kinh tế

Chính sách khuyến khích xuất khẩu đã huy động được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó phải kể đến vai trò ngày càng quan trọng và áp đảo của khu vực có vốn FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2000, khu vực trong nước chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi khu vực có vốn FDI chỉ chiếm 47% kim ngạch, kể cả dầu thô. Tuy nhiên, sau khi các hiệp định thương mại song phương được ký kết, khu vực FDI đã lớn mạnh nhanh chóng từ năm 2003 và vượt các doanh nghiệp trong nước trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu. Đến năm 2014, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này đã chiếm tới 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Không thể phủ nhận rằng sự lớn mạnh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong những năm qua đã có ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo, môi trường kinh doanh của Việt Nam và góp phần tạo ra các yếu tố tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng xuất khẩu của khu vực FDI đã bộc lộ rõ những mặt hạn chế thể hiện ở một số khía cạnh: (i) Khu vực FDI dẫn đầu xuất khẩu, nhưng chủ yếu tập trung vào những ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp; (ii) Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam còn khá lỏng lẻo; (iii) Ánh hưởng lan tỏa từ khu vực FDI chưa được như kỳ vọng; (iv) Xuất khẩu lớn nhưng nhập khẩu cũng gia tăng nhanh chóng; (v) Các vấn đề liên quan đến chuyển giá, thao túng thị trường, gây xáo động giá cả, tiền tệ,...

Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp để nâng cao ảnh hưỏng tích cực của khu vực FDI, nhưng đồng thời cần phải có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, bởi bất kể quốc gia nào muôn phát triển nhanh và bền vững đều phải dựa vào yếu tố nội lực, dựa vào các doanh nghiệp trong nước. Điều này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI. Thêm vào đó, Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Hai thỏa thuận này hứa hẹn những tiền đề quan trọng cho một làn sóng đầu tư mạnh, đến từ những nước có nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại như Mỹ, Nhật Bản và EU. Các doanh nghiệp FDI với tiềm lực mạnh hơn có thể đáp ứng tốt hơn các cam kết hội nhập, có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề đang quan ngại hiện nay nếu không có định hướng và giải pháp xử lý hữu hiệu, kịp thời.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 18 Tháng 10 2017 03:46

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành