Thứ ba, 25 Tháng 2 2014 05:13

Thủ tục phá sản và những bất cập

Điều 5 Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004 quy định về thủ tục phá sản, theo đó, thủ tục phá sản được áp dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản bao gồm trình tự, thủ tục như nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ; tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

So với Luật phá sản doanh nghiệp 1993, Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004 mở rộng đối tượng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đó là chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, người lao động, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, thành viên công ty hợp danh, các cổ đông của công ty cổ phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp với doanh nghiệp đó; Chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp 2004, các chủ nợ không có bảo đảm và các chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Theo cách hiểu thông thường, chủ nợ là người cho vay nợ; theo pháp luật về phá sản thì chủ nợ được hiểu theo nghĩa rộng hơn, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ cũng đa dạng và phong phú hơn. Chủ nợ có bảo đảm một phần là chủ nợ mà một phần khoản vay của họ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp mắc nợ hoặc của một bên thứ 3 có liên quan. Chủ nợ không có bảo đảm là chủ nợ mà khoản vay của họ hoàn toàn không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp mắc nợ hoặc bên thứ 3 có liên quan. Như vậy có thể thấy rằng, ngoài hai đối tượng trên, chủ nợ có bảo đảm toàn bộ không có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, điều này vô hình chung làm mất tính bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với chủ thể nộp đơn là người lao động tại doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Luật phá sản năm 2004 quy định người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nợ khi có đủ các điều kiện như doanh nghiệp nợ lương hoặc các khoản nợ khác như nợ tiền phụ cấp, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… và doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Ở đây, người lao động trong doanh nghiệp nộp đơn thông qua người đại diện của mình hoặc đại diện của công đoàn trong doanh nghiêp. Hình thức đại diện được t ực hiện bằng cách lấy phiếu kín hoặc lấy chữ ký người lao động trong doanh nghiệp khi có quá nửa số người lao động trong doanh nghiệp tán thành. Khi người đại diện nộp đơn tại toà án yêu cầu mở thủ tục phá sản họ phải nộp kèm theo biên bản bỏ phiếu hoặc chữ ký của tập thể người lao động cử họ làm đại diện nộp đơn, ngoài ra còn phải có các biên bản chứng minh số tiền lương doanh nghiệp nợ người lao động, số tháng nợ lương, và cac khoản nợ khác mà doanh nghiệp chưa trả cho người lao động. trong khi đó dự thảo luật mới

Đối với chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước, Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004 quy định nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn thì đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện quyền này.

Luật phá sản năm 2004 quy định khi nhận thấy công ty cổ phần lâm vào tình trạng phá sản thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của điều lệ công ty, nếu điều lệ công ty không quy định thì việc nộp đơn sẽ thực hiện theo nghị quyết của đại hội cổ đông. Trường hợp điều lệ công ty không quy định và cũng không thực hiện được đại hội cổ đông thì nhóm cổ đông hoặc cổ đông sở hữu trên 20% số cổ phần phổ thông liên tục trong 6 thán sẽ có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp/

Đối với công ty hợp danh, luật quy định chỉ có thành viên của công ty hợp danh mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty hợp danh đó.

Bên cạnh đó, việc xác định chính xác thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là hết sức quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản mà còn đối vơi chủ nợ, người lao động và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác.

Việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện bằng việc Toà án nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo quy định tại Luật phá sản năm 2004 thì thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là Toà án nhân dân cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đăng kí kinh doanh hoặc nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, Toà án tiến hành xác định tính hợp pháp của đơn. Đối với trường hợp chủ thể nộp đơn là chủ nợ thì toà án trước hết phải xác minh xem người nộp đơn có thực sự là chủ nợ có bảo đảm một phần hoặc chủ nợ không có bảo đảm không và khoản nợ này là khoản nợ đã đến hạn chưa. Đối với trường hợp người nộp đơn là người lao động, trước hết Toà án xem xét các văn bản về khoản nợ lương của doanh nghiệp đối với người lao động, và các khoản nợ khác, tư cách người nộp đơn có đúng là người đại diện hợp pháp của người lao động theo quy định của Luật phá sản không. Đối với đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, Toà án phải kiểm tra tính hợp pháp của đơn và người kí đơnnh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi kèm theo đơn các giấy tờ, tài liệu như: Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; Báo cáo về các biện pháp khắc phục tình hình doanh nghiệp đã thực hiện nhưng không khắc phục được; Bảng kê chi tiết tài sản ; Danh sách các chủ nợ; Danh sách những người mắc nợ của doanh nghiệp…

Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp Toà án có quyền yêu cầu người nộp đơn nộp bổ sung những giấy tờ, tài liệu cần thiết khác.

Về phí và tạm ứng phí phá sản tuỳ từng trường hợp cụ thể toà án sẽ quyết định mức phí. Trong một số trường hợp ngân sách nhà nước sẽ tạm ứng phí phá sản

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp và kiểm tra tính hợp pháp, Toà án tiến hành thụ lý đơn. Toà án tiến hành thụ lý đơn yêu cầu phá sản kể từ ngày người nộp đơn xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng phí phá sản. Trường hợp người nộp đơn không phải nộp tạm ứng phí phá sản thì ngày thụ lý là ngày nộp đơn.

Sau khi thụ lý đơn, Toà án tiến hành ra thông báo thụ lý đơn. Kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản việc giải quyết các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tạm đình chỉ. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp cụ thể, Toà án có quyền triệu tập họp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với chủ nợ, người nộp đơn. Việc triệu tập họp được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn.

Sau khi kiểm tra tính hợp pháp của đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tư cách người nộp đơn, các giấy tờ tài liệu liên quan,Toà án có thể ra quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định không mở thủ tục phá sản, quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản…

Tuy nhiên, thủ tục nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vẫn còn một số bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung một số điều cụ thể trong dự thảo luật phá sản doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 3 Luật Phá sản để xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản theo hướng quy định cụ thể các tiêu chí, định lượng hóa và gắn với nguyên nhân, thực trạng tình hình tài chính của DN, HTX.

Điều quan trọng là cần xác định được khả năng thanh toán nợ của DN, HTX chứ không phải là số lượng các khoản nợ mà DN, HTX không có khả năng trả. Một khoản nợ phải trả khi đến hạn và có yêu cầu thanh toán mà việc trả nợ đó có thể dẫn đến DN, HTX không còn tài sản và khoản nợ đó vẫn không được trả hết, thì cần phải xác định đó là dấu hiệu DN, HTX mất khả năng thanh toán.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 13 về quyền của chủ nợ có bảo đảm trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thứ ba, quy định cụ thể tại Điều 14 về cơ chế thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động thông qua cơ chế cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn; nghiên cứu bổ sung quy định về quyền trực tiếp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động (có thể về quy trình, thủ tục hoặc số lượng người lao động trực tiếp nộp đơn).

Thứ tư, bổ sung vào Điều 15 quy định tất cả các loại hình DN, HTX phải áp dụng biện pháp kiểm toán tài sản trước khi DN, HTX đó nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm tạo điều kiện cho Tòa án có căn cứ xem xét khách quan yêu cầu của DN, HTX, tránh trường hợp DN, HTX lạm dụng vay nợ rồi nộp đơn yêu cầu tuyên bố DN, HTX bị phá sản để chiếm đoạt tài sản của chủ nợ.

Thứ năm, bổ sung quy định thủ tục giải quyết vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN, HTX.

Thứ sáu, quy định cụ thể hơn tại Điều 21 về phí phá sản và tạm ứng phí phá sản.

Trên đây là những quy định về thủ tục nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp được quy định tại Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004 và những vấn đề bất cập cần được sửa đổi bổ sung trong dự thảo luật Phá sản doanh nghiệp nhằm tạo ra khung pháp lý quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, đảm bảo quyền lợi của người lao động, chủ nợ, của mọi loại hình doanh nghiệp khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 03:56

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành