Thứ ba, 25 Tháng 2 2014 05:41

Luật phá sản doanh nghiệp năm 2004: Hội nghị chủ nợ và một số kiến nghị

Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là những tài sản còn lại của doanh nghiệp hợp tác xã khi bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo quy định tại điều 49 Luật phá sản doanh nghiệp 2004 tài sản này bao gồm: tài sản, quyền tài sản doanh nghiệp có tại thời điểm Toà án thụ lý đơn; các khoản lợi nhuận và quyền tài sản doanh nghiệp sẽ có do giao dịch trước thời điểm thụ lý đơn; tài sản là vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp; giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp 2004 nghĩa vụ về tải sản doanh nghiệp hay còn gọi là tài sản nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thanh toán. Căn cứ để xác định nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp được quy định tại điều 33 Luật phá sản doanh nghiệp 2004. Xác định nghĩa vụ này của doanh nghiệp thực chất là xác định tổng khoản nợ bao gồm cả nợ đến hạn và nợ chưa đến hạn của doanh nghiệp. Việc xử lý nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản phải căn cứ vào quyết định mở thủ tục phá sản thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. Các trường hơp xử lý nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản bao gồm xử lý các khoản nợ chưa đến hạn; xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản cầm cố hoặc thế chấp, xử lý tài sản của Nhà nước được dùng để áp dụng các biện pháp đặc biệt về tài sản, xử lý tài sản, xử lý các tài sản thuê mượn khi doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý, xử lý tài sản đã giao trước khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản…. Việc xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi không tiến hành phục hồi kinh doanh được chia làm 2 giai đoạn. Ngay sau khi thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp thì việc phân chia tài sản của doanh nghiệp được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: thứ nhất là phí phá sản doanh nghiệp; thứ hai là các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội…; thứ ba là các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ theo nguyên tắc trả toàn bộ hay tỷ lệ tương xứng tuỳ thuộc vào giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp. Sau khi đã thanh toán đủ các khoản ở trên mà tài sản của doanh nghiệp vẫn còn thì phần giá trị tài sản các này sẽ được phân chia cho các chủ thể như chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông của công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, xã viên hợp tác xã.

Ngoài ra, việc đảm toàn khối tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản tại thời điểm toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm thực hiện các nghĩa vụ tài sản hoặc phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là hết sức quan trọng. Các biện pháp bảo toàn tài sản theo quy định của luật phá sản doanh nghiệp 2004 bao gồm: các giao dịch bị coi là vô hiệu và quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu; đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực, văn bản yêu cầu tiến hành đình chỉ thực hiện hợp đồng; thanh toán, bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện; bù trừ nghĩa vụ; kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, lập danh sách người mắc nợ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản có tài sản.

Nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản cho các chủ nợ, Luật phá sản doanh nghiệp 2004 quy định về Hội nghị chủ nợ. Theo đó, trong trường hợp việc kiểm kê tài sản của doanh nghiệp kết thúc trước khi lập xong danh sách chủ nợ thì trong thời hạn 30 ngày thẩm phán triệu tập hội nghị chủ nợ, nếu việc kiểm kê tài sản này kết thúc sau khi lập xong danh sách chủ nợ thì thời hạn triệu tập Hội nghị chủ nợ tính từ thời điểm kiểm kê xong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Hội nghị chủ nợ do thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản chủ trì. Tham gia hội nghị chủ nợ bao gồm những chủ thể sau: thứ nhất, các chủ nợ có tên trong danh sách hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản; thứ hai là đại diện công đoàn, đại diện người lao động (có quyền và nghĩa vụ như chủ nợ); thứ ba là người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp. Hội nghị chủ nợ có nội dung chính như thông báo tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp; các phương án, đề xuất, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh… Trong trường hợp cần trên cơ sở đề nghị của đại diện ít nhất 1/3 chủ nợ hoặc tổ thanh lý tài sản thẩm phán quyết định tổ chức Hội nghị chủ nợ tiếp theo.

Trên cơ sở những phân tích trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:

-  Đề nghị bổ sung thêm một số loại tài sản vào tài sản phá sản của doanh nghiệp như: tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ những giao dịch vô hiệu của doanh nghiệp, tài sản thừa kế của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh sau ngày mở thủ tục phá sản.

-  Xem xét việc bổ sung quy định của luật phá sản 2004 về xử lý tài sản phá sản ở nước ngoài.

-  Sửa đổi, bổ sung quy định về đình chỉ và tạm đình chỉ thi hành án dân sự hoặc giải quyết vụ án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản kể từ ngày toà án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

-  Bổ sung quy định về giải quyêt tranh chấp có liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản cho phù hợp với thực tiễn.

Trải qua 10 năm thi hành, luật phá sản doanh nghiệp 2004 bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ một số điểm còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn giải quyết phá sản ở nước ta cũng như thông lệ quốc tế. Do đó, việc xem xét nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp 2004 là điều tất yếu, nhằm củng cố hành lang pháp lý cho thủ tục, trình tự phá sản của doanh nghiệp.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 03:50

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành