Thứ bảy, 15 Tháng 7 2017 08:03

Bất cập trong quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng được xem như kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch rừng đúng, chính xác, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội sẽ giúp cho việc thực hiện quy hoạch trong thực tế dễ dàng, cũng như phát huy tối đa hiệu quả của quy hoạch rừng.

Việc quản lý quy hoạch được xem là trung tâm đê quản lý nguồn tài nguyên tái tạo và là điểm khởi đầu quan trọng cho sự tham gia của các chủ thể và bảo đảm sự minh bạch. Quản lý quy hoạch là yêu cầu phổ biến đối với rừng công cộng. Tuy nhiên, nhiều nơi trên thế giới, yêu cầu này cũng được áp dụng đối với rừng tư nhân.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, kỳ quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng là 10 năm và kỳ kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng là 5 năm, được cụ thể hóa thành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm[1].

Việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm nguyên tắc là phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước và từng địa phương. Việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tính thống nhất, đồng bộ của các cấp xã, huyện, tỉnh và trên cả nước. Trong trường hợp đặc biệt, Nhà nước cần chuyển đổi đất có rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác thì phải có kế hoạch trồng rừng mới để bảo đảm sự phát triển bền vững ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước.

Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, có hiệu quả tài nguyên rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải được lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, quyết định trong năm cuối kỳ quy hoạch, kế hoạch trước đó. Nhìn vào tổng thể quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng chúng ta có thể thấy được các mục tiêu mà Nhà nước ưu tiên đạt được. Đó là quy hoạch diện tích rừng và đất rừng cho ba loại rừng - rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất cũng như kế hoạch bảo vệ và phát triển ba loại rừng trên qua từng năm của kỳ kế hoạch[2].

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi cả nước, ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương theo sự hướng dẫn của ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp[3].

Về thẩm quyền phê duyệt, quyết định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình, ở cấp tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua ủy ban nhân dân cấp trên phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; riêng phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thì Ủy ban nhân dân các cấp lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Thủ tướng Chính phủ quyết định xác lập các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có tầm quan trọng quốc gia hoặc liên tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác lập các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất ở địa phương theo quy hoạch bảo vệ rừng đã được phê duyệt, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng của địa phương trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và việc công bố quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng phải được thực hiện trong suốt thời gian của kỳ quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng có hiệu lực.

Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng chỉ được thực hiện khi có sự điều chỉnh về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà sự điều chỉnh đó ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cấp trên trực tiếp mà sự điều chỉnh đó ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nào thì có quyền điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đó.

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng quy hoạch rừng, kế hoạch quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng còn nhiều vấn đề cần bàn thảo để sửa đổi cho phù hợp. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch rừng và đất rừng được xem là nòng cốt, xương sống của việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhìn vào quy hoạch rừng và đất rừng, chúng ta có thể thấy được tổng thể lâm phận quốc gia, diện tích rừng hiện có và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Một nền lâm nghiệp bền vững thì trước hết yêu cầu lâm phận quốc gia phải ổn định. Quy hoạch, kế hoạch rừng và đất rừng ở Việt Nam được xây dựng từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương. Tuy nhiên, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã quy định khá cởi mở về việc lập quy hoạch rừng, trao quyền tự chủ cho các địa phương. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua[4]. Như vậy, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được lập nên trước hết vì mục tiêu phát triển của tỉnh đó, mà hiện nay các tỉnh đều tập trung phát triển kinh tế. Vì vậy, khi lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, nhiều diện tích rừng sản xuất được chuyển đổi thành đất trồng cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, cà phê, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên sẽ chuyển đổi khoảng 100.000  ha rừng khộp sang trồng cao su. Nhiều nhà khoa học lo ngại việc chuyển đổi diện tích lớn rừng sang trồng cây công nghiệp sẽ gây ra những tác hại lớn về môi trường, đặc biệt là nguy cơ thoái hóa đất và có thể bị sa mạc hóa. Hiện nay, một số diện tích rừng phòng hộ đã chuyển thành rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ ven biển chuyển thành các diện tích nuôi tôm. Thậm chí, khi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được thông qua nhưng vì phát triển kinh tế các tỉnh lại tự thay đổi quy hoạch này.

Trong khi đó, Chính phủ vẫn cấp giấy phép cho khai thác khoảng 150.000m3  gỗ từ rừng tự nhiên, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nghèo sang trồng cao su, trồng keo, phát triển thủy điện...

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 đã nhân định, trước sự suy giảm trầm trọng về diện tích rừng và chất lượng rừng, cần rà soát, xem xét lại mức độ thích hợp của việc quản lý, bảo vệ và khai thác rừng hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam được dự đoán là một trong những nước phải chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng ta cần có những cách thức quản lý để kiểm soát chặt chẽ việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương như: quy định việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng phải được hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá lợi ích và thiệt hại của việc thay đổi quy hoạch đó ở các khía cạnh kinh tế - xã hội, môi trường...

Vì vậy, để phát triển bền vững mọi mặt của đời sống xã hội, chúng ta cần có quy định chặt chẽ hơn đối với việc lập, thông qua quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở tất cả các cấp. Cần nâng cao vai trò thẩm định của các cơ quan chức năng mà đứng đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như có những phản biện khoa học độc lập về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh và cả nước. Cần hạn chế đến mức tối đa việc sửa đổi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng vì những mục tiêu phát triển kinh tế ngắn hạn. Đây là vấn đề cần được sự quan tâm của nhiều cơ quan, nhiều ngành và nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 6 năm từ 2006 đến 2012, cả nước có tới 19.792 ha rừng tại 29 tỉnh bị chuyển đối mục đích sử dụng làm thủy điện và theo ước tính trung bình, để làm 1MW điện phải mất đến 161bìa rừng. Đến nay có đến 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “công” 2.5 dự án thủy điện. Vườn quốc gia Cát Tiên có 6 dự án, vườn quốc gia Hoàng Liên có 6 dự án, khu bảo tồn Sông Tranh có 7 dự án. Trong khi đó, diện tích rừng trồng bù cho các dự án thủy điện hiện nay đang là rất ít.

Vậy đâu là quản lý bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường? Thực trạng này phần nào phản ánh sự quản lý nhà nước yếu kém đối với tài nguyên rừng - tài nguyên sống còn cho sự tồn tại phát triển bền vững của đất nước và nhân loại.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với việc cho thuê rừng để phát triển du lịch sinh thái cũng cần có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân một số tỉnh khi triển khai việc cho thuê rừng để kinh doanh du lịch sinh thái theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã vô tình tạo điều kiện cho các chủ rừng “phá rừng” một cách hợp pháp như trường hợp ở Kiên Giang[5].

Một trường hợp khác, cũng thực hiện dự án du lịch sinh thái để phá rừng một cách hợp pháp. Đó là dự án đầu tư khu du dịch suối nước nóng Bang do ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Công ty Đông Dương. Công ty này đã sử dụng mỏ nước khoáng Bang với nhiệt độ sôi 105°c để “ngâm gỗ”- gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Hậu quả của việc thay đổi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng khó có thể khắc phục hoặc nếu có khắc phục được thì sẽ cần đầu tư số tiền rất lớn và phải có thời gian để cho các cánh rừng mọc lại. Những lợi ích về phát triển kinh tế chưa thấy nhưng những thiệt hại về môi trường và sinh thái thì chính chúng ta phải trả giá ngay lập tức.

Vấn đề quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp được cho thuê rừng để phát triển du lịch sinh thái chưa được các văn bản pháp luật của Nhà nước đề cập. Đây chính là một khoảng trống pháp luật cần được quy định trong dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời bổ sung để quản lý và hướng phát triển du lịch sinh thái rừng bền vững phát huy hiệu quả.


[1] Điều 16 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004

[2] Xem Điều 13 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004

[3] Xem Điều 17 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004

[4] Điểm b khoản 1 Điều 18 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004

[5] Đề án cho thuế rừng huyện Phú Quốc giai đoạn 2008 - 2010 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đề án, được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngày 05-12-2007, doanh nghiệp thuê diện tích rừng dưới 50 ha sẽ được phép sử dụng 20% trên tổng diện tích được thuê để làm công trình hạ tầng phục vụ du lịch. Các dự án cho thuê rừng phát triển du dịch được chia nhỏ theo để án. Tổng diện tích cho thuê của đề án này là 8.710 ha. Như vậy, nếu 20% diện tích này được sử dụng làm công trình hạ tầng phục vụ du lịch thì sẽ có 1.742 ha rừng được chặt phá “hợp pháp”. Mặc dù, hiện nay đề án nêu trên tạm dừng thực hiện nhưng trước đó ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận cho 23 dự án được thuê 1.293,9 ha đất rừng để kinh doanh du lịch .

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành