Thứ năm, 20 Tháng 7 2017 02:54

Một số bất cập trong quản lý nhà nước về cháy rừng

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Cơ quan phòng cháy, chữa cháy rừng được thành lập từ Trung ương đến địa phương, ở Trung ương là Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng được thành lập từ năm 2002 và hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 1245/2010/QĐ- TTg ngày 21-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng có một số nhiệm vụ và quyền hạn sau: xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo, kiểm tra các bộ, ngành và các địa phương lập và thực hiện phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; điều hành phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc tổ chức ứng cứu chữa cháy rừng, truy quét các tổ chức, cá nhân phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép ở những tụ điểm phức tạp; được quyền huy động lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách vượt quá khả năng xử lý của địa phương theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ở cấp Trung ương, Cục Kiểm lâm là cơ quan thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức bố trí cán bộ của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng, Cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm các Trung tâm Kỹ thuật Bảo vệ rừng số I, II; các trung tâm này giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng, phối hợp với địa phương ứng cứu, dập tắt những vụ cháy rừng trong vùng có nguy cơ lan rộng vượt quá tầm kiểm soát của địa phương; nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng mô hình, tổ chức huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng cho các Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng trong vùng; phối hợp với các đơn vị Kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hạt Kiểm lâm đặt tại các vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về rừng trong khu vực rừng do vườn quốc gia quản lý. Tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng trong khu vực rừng do vườn quản lý hoặc chữa cháy rừng của các chủ rừng khác theo yêu cầu của chính quyền sở tại.

Ở địa phương, thành lập Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng với thành phần là các cơ quan, ban, ngành của cấp tỉnh, cấp huyện có liên quan. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương; xác định các vùng trọng điểm cháy và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đặc biệt, chú ý phối hợp các lực lượng khi có cháy lớn xảy ra và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, theo dõi, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cơ quan này gồm:

Một là, Văn phòng Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng đặt tại các cơ quan Kiểm lâm cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ sau: tổ chức xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong các tháng cao điểm dễ xảy ra cháy; theo dõi, chỉ đạo, điều hành chính quyền các cấp và chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt; tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác chữa cháy rừng; trực tiếp tham gia chỉ huy chữa cháy rừng khi cháy rừng trong tầm kiểm soát của địa phương, trường hợp cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát phải đề nghị Trung ương chi viện.

Hai là, Chi cục Kiểm lâm là cơ  thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong tầm kiểm soát của địa phương. Đây là lực lượng chính trong chỉ huy, hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy rừng. Phòng quản lý, bảo vệ rừng của Chi cục Kiểm lâm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các đơn vị liên quan và các chủ rừng; tổ chức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như: xây bảng biển, pano, áp phích, xây dựng các nội dung tuyên truyền phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, đôn đốc, điều động, chỉ huy việc chữa cháy rừng ở địa phương.

Ba là, Hạt Kiểm lâm chịu sự quản lý toàn diện của Chi cục Kiểm lâm và là cơ quan thực hiện nhiệm vụ của văn phòng Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện và thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong tầm kiểm soát của địa phương. Đây là lực lượng chính trong chỉ huy, hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy rừng ồ cấp huyện; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các đơn vị liên quan và các chủ rừng, tổ đội quần chúng; tổ chức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các chủ rừng tổ chức đội bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Khi xảy ra cháy rừng trên phạm vi của mình quản lý, chủ rừng chủ động điều động lực lượng chữa cháy rừng, khi cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của mình báo cáo kịp thời Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng địa phương để điều động lực lượng chữa cháy rừng. Trong trường hợp cần thiết, phải điều động lực lượng hỗ trợ tham gia chữa cháy khi có yêu cầu. Chủ rừng có trách nhiệm đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của nhà nước.

Tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng:

Dưới sự chỉ đạo của chính quyền cấp xã và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm lâm phụ trách địa bàn, từng thôn, xã tổ chức thành lập các tổ, đội quần chúng tình nguyện bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy rừng và tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn.

Các cơ quan phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng được quy định trên cơ sở Luật phòng cháy, chữa cháy năm 2001 và Nghị định Số 09/2006/NĐ-CP ngày 16-01-2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng. Trong quá trình thực hiện công tác này còn có sự phối hợp giữa các cơ quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT-BNN-BCA-BQP ngày 13-12-2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, sự phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và lực lượng Dân quân tự vệ được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 98/2010/TTLT-BQP-BNNPTNT ngày 19-7-2010 của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong lực lượng Quân đội, mỗi quân khu phân công một Tiểu đoàn thuộc Bộ Quốc phòng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra vượt quá tầm kiểm soát của địa phương. Tiểu đoàn này được huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy rừng và trang bị thiết bị chuyên dùng, công cụ cần thiết sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên địa bàn được phân công. Mỗi bộ chỉ huy quân sự tỉnh phân công một đại đội thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh, là đơn vị thường trực tham gia để chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra ở địa phương. Đại đội này được huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy rừng và trang thiết bị, công cụ cần thiết sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên địa bàn được phân công.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chữa cháy khi cháy lớn xảy ra, theo yêu cầu của Trưởng ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh, lãnh đạo sở Công an điều động lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Chỉ huy lực lượng Cảnh sát chữa cháy rừng là Trưởng ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương và lãnh đạo đơn vị cảnh sát.

Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí, thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao chất lượng và thời lượng dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong các tháng mùa khô.

Nhiệm vụ của chủ rừng, trong các diện tích rừng tập trung phải xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, kênh mương ngăn lửa, đường ranh cản lửa, đóng góp kinh phí và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng do cơ quan Kiểm lâm xây dựng đối với các diện tích rừng phân tán của nhiều chủ rừng. Khi thiết kế trồng rừng tập trung, phải thiết kế các công trình phòng cháy rừng được cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh thông qua. Trong trồng rừng cần áp dụng các biện pháp lâm sinh để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như: trồng rừng hỗn giao, tạo băng trắng, băng xanh cản lửa... Trong mùa khô hanh cần có các lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác. Mặc dù trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng được quy định khá chi tiết và cụ thể, song nhiều vấn đề vướng mắc vẫn tồn tại. Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng do chính chủ rừng chịu trách nhiệm xây dựng. Nếu phương án phòng cháy, chữa cháy rừng có huy động lực lượng phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên ngành thì chủ rừng đề nghị cơ quan Kiểm lâm, cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hướng dẫn xây dựng phương án. Chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng phải được thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm một lần vào trước mùa hanh khô và thực tập đột xuất khi có yêu cầu về thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tùy vào phạm vi trách nhiệm mà thẩm quyền này thuộc về Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã hoặc thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc thủ trưởng Kiểm lâm cấp tỉnh hoặc Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Như vậy, quy định phương án phòng cháy, chữa cháy rừng không có sự thống nhất mà hoàn toàn phụ thuộc vào từng chủ rừng khác nhau. Điều đó dẫn đến khó khăn trong kiểm tra và tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhà nước cần có quy định hướng dẫn thống nhất về phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo cấp báo động cho các chủ rừng.

Việc đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng do chính các chủ rừng thực hiện. Chủ rừng là các cơ quan, tổ chức có vốn đầu tư nhà nước thì được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2002. Các chủ rừng không thụ hưởng ngân sách nhà nước tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Hiện nay, ngay cả các chủ rừng là các tổ chức có vốn đầu tư nhà nước hay các lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, lực lượng Kiểm lâm hoặc lực lượng Quân đội tham gia chữa cháy rừng thì nguồn kinh phí, trang thiết bị chữa cháy rừng cũng được đầu tư rất ít, nên việc chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các cán bộ phòng cháy, chữa cháy phải tự tìm tòi để cải tiến các phương tiện sẵn có thành phương tiện chữa cháy rừng.

Trong khi đó, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư rất khó khăn về kinh phí để đầu tư phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì vậy, nếu để cho họ tự đầu tư trang thiết bị chữa cháy rừng thì dụng cụ chỉ có thể là cuốc, gậy, dao. Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng để hiện đại các trang thiết bị chữa cháy rừng, vì cháy rừng xảy ra không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho chính các chủ rừng mà còn thiệt hại rất lớn về môi trường, về đa dạng sinh học.v.v… và đó là những thiệt hại không thể tính được bằng tiền[1].

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn nào của các cơ quan chức năng về việc bồi thường thiệt hại do chữa cháy rừng gây ra.

Từ sự tìm hiểu trên đây về hệ thống cơ quan phòng cháy, chữa cháy rừng từ Trung ương đến địa phương, có thể nhận thấy, đây là một hệ thống cơ quan đồ sộ, với nhiệm vụ được quy định rõ ràng cho từng cấp, từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Kết quả đạt được từ hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng đã giảm đáng kể, cụ thể con số thiệt hại do cháy rừng trong 9 tháng đầu năm 2016 là 3.031 ha và đến 9 tháng đầu năm 2017 là 347 ha tỷ lệ giảm 89%.

Từ số liệu trên, chứng tỏ các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng có giảm nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống mà nguyên nhân chủ yếu là việc giao nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhiều cơ quan và yêu cầu phối hợp liên ngành mà chưa có một cơ quan chủ quản có thẩm quyền thực sự được đầu tư vốn, phương tiện, nguồn nhân lực hiệu quả để phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngay cả đối với Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng thì các thành viên cũng là các bộ trưởng, thứ trưởng của các bộ, ban, ngành có liên quan mà không phải là các thành viên chuyên trách. Trong khi đó, việc thực thi công tác phòng cháy rừng phải liên tục và thường trực, việc chữa cháy rừng phải được tiến hành ngay lập tức chứ không thể “chờ phối hợp”.


[1] Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để phục vụ chữa cháy rừng được hoàn trả sau khi chữa cháy; trường hợp phương tiện, tài sản bị mất mát, hư hỏng, nhà, công trình bị phá dỡ, diện tích rừng bị chặt hạ thì được bồi thường theo quy định của pháp luật. Kinh phí bồi thường thiệt hại được cấp từ ngân sách nhà nước. Tài sản huy động chữa cháy rừng của chủ rừng nào thì chủ rừng đó có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết việc bồi thường thiệt hại do chữa cháy rừng gây ra.

Nguồn: Điều 24 Nghị định số 09/ 2006/ NĐ - CP ngày 16 – 01 - 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành